Theo Bộ GTVT, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó vùng ĐBSCL dự kiến bố trí khoảng 50.690 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông vận tải.
Số vốn trên dùng để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP như: Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh, Chơn Thành - Đức Hòa và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác, trong đó tuyến Châu Đốc - Cần Thơ – 3 Sóc Trăng (Trần Đề) sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu phương tiện trên tuyến hành lang vận tải trục ngang quan trọng của vùng, giảm tải cho tuyến QL91 qua địa phận tỉnh An Giang đã quá tải và thường xuyên sạt lở. Riêng đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Đức Hòa - Mỹ An và các đoạn còn lại của tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh sẽ nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn sau năm 2025 khi cân đối được nguồn lực.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỉ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ được cho là một trong những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển kinh tế của các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: