Nhiều tòa nhà cao tầng được đầu tư xây dựng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị TP HCM.
Tình hình kiến trúc đô thị TP HCM trong thời gian qua
Hơn một thập niên vừa qua, đặc biệt là nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, TP HCM chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, những biến đổi sâu sắc trong xã hội và những chuyển động nhiều chiều của kiến trúc đô thị.
Đó là chiều mở rộng của đô thị hóa vươn ra các khu vực ngoại vi thành phố với nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới cũng như khu công nghiệp, khu công nghệ - kỹ thuật cao... Sự thay đổi về dân số kéo theo các đô thị mới được hình thành. Nhiều vùng ven nội thành (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh…) và ngoại thành là khu vực có quỹ đất dành cho sự phát triển, mở rộng đô thị cũng dần trở thành những đô thị mới (Nam Sài Gòn, Bắc Nhà Bè…) như một xu thế tất yếu để giải quyết nhà ở cho quá trình đô thị hóa của thành phố.
Là chiều thẳng đứng của các công trình cao ốc đang không ngừng mọc lên ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố: từ khu vực trung tâm (tập trung quận 1, quận 3), ra đến một số quận mới (quận 7, quận 9…), hay xen cài trong một số quận nội thành cũ (quận 4, quận Phú Nhuận, Bình Thạnh…).
Là chiều tăng trưởng thương mại của kiến trúc gắn với thị trường bất động sản với nhiều công trình văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn…
Đó còn là chiều muôn hình muôn vẻ của kiến trúc nhà ở - mảng kiến trúc quan trọng của đô thị - từ những nhà ở cao tầng mọc lên với chất lượng không gian sống được nâng cao: quy hoạch với không gian mở, thảm xanh, mặt nước, các tiện ích cộng đồng như trường mầm non, chăm sóc y tế; thiết kế nội thất căn hộ phong phú, thông thoáng chiếu sáng tự nhiên, phù hợp khí hậu và tập quán sinh hoạt người Việt; đến nhà ở riêng lẻ trong những năm gần đây lại được người dân chăm chút, trao đổi với kiến trúc sư để đem lại những không gian sống phù hợp nếp nhà, những hình khối và mặt dựng phong phú đóng góp vào sắc thái phố thị.
Dù trong một số khía cạnh còn băn khoăn (về môi trường, xã hội…), các dự án công trình trong thời gian qua đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị ở nhiều khu vực: từ các công trình mới mọc lên trên nền các “vùng lõm đô thị” xuống cấp ngay trong khu vực trung tâm thành phố cho đến các khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành ở các khu vực mới thập niên trước còn là vùng ven, vùng xa của thành phố (như các quận, huyện phía Đông, phía Nam thành phố).
Kiến trúc đô thị thành phố cũng không đứng bên lề những vấn đề đô thị đang đối mặt. Biến đổi khí hậu đã không còn xa xôi như một vấn đề toàn cầu, nó đã bắt đầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân đô thị như ngập lụt, thời tiết bất thường…
Nhìn chung, với điều kiện hiện trạng và phát triển thành phố, kiến trúc đô thị thành phố chưa quan tâm nhiều việc thích ứng biến đổi khí hậu: nhiều đô thị mới vẫn chưa phát triển với mô hình tối ưu điều kiện tự nhiên, kênh rạch vẫn còn bị san lấp mà chưa đảm bảo các giải pháp quản lý nước thay thế, nhiều công trình cao ốc vẫn chưa sử dụng vỏ bao che thích hợp điều kiện khí hậu nắng nóng… Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu có những sáng kiến tích cực: kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong một số thiết kế công trình mới; vỉa hè, công viên, quảng trường bắt đầu được quan tâm thiết kế giảm thiểu việc bê tông hóa bề mặt, tăng cường mảng xanh, đất thấm nước (các vỉa hè xanh đang được thi công trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn…).
Tòa nhà Metropolitan tại trung tâm TP HCM.
Những thực hành mới này một mặt góp phần vào khả năng thích ứng của thành phố với các vấn đề môi trường, mặt khác cũng đóng góp vào diện mạo không gian cảnh quan kiến trúc đô thị hay nói một cách “trừu tượng” hơn là quá trình phát triển kiến trúc đô thị tại TP HCM trong những năm qua đã từng bước tạo dựng “Bản sắc kiến trúc đô thị TP HCM trong quá trình hội nhập phát triển”.
“Bản sắc kiến trúc đô thị” Sài Gòn - TP HCM liệu có bị mất đi trong thời kỳ hội nhập phát triển?
Có một nhận định chung nhất mà chúng ta đều có thể thống nhất là một tập hợp các công trình kiến trúc, không gian công cộng, không gian cây xanh - mặt nước… trong một tổng thể không gian đô thị mà những thế hệ đi trước đã tạo dựng với việc phát huy tối đa những yếu tố thuận lợi, hạn chế những rủi ro trong khuôn khổ mà những điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội cho phép, cũng như vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ xây dựng trong quá trình hình thành và phát triển đã tạo nên “Bản sắc kiến trúc” của một đô thị.
Từ những nhận định trên có thể nhận thấy TP HCM với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển cũng đã tạo dựng được một “Bản sắc kiến trúc đô thị” riêng cho mình. Đó là những công trình kiến trúc từ đồ sộ đến giản đơn, những không gian công cộng, không gian cây xanh - mặt nước rất gần gũi với con người mà vẫn tạo dựng được những dấu ấn qua năm tháng để tạo nên một “Hòn ngọc viễn đông” như đã từng được nhắc đến.
Trong suốt một thời gian dài, tốc độ phát triển của Sài Gòn trước đây khá đều, không có nhiều biến động lớn. Cho tới trước năm 1975, thậm chí cho tới những năm đầu của thập niên 80 vừa qua, Sài Gòn - TP HCM vẫn giữ được bộ mặt kiến trúc đô thị đã hình thành trong quá khứ, với mầu mái ngói đỏ của những công trình kiến trúc, những không gian quảng trường và những mảng xanh trải dài uốn lượn cùng hệ thống sông ngòi - kinh rạch. Trong thời kỳ này cũng có một số công trình kiến trúc lớn, cao tầng đã được xây dựng, nhưng với số lượng không nhiều và ít làm ảnh hưởng tới “Bản sắc kiến trúc đô thị” như chúng ta vẫn thường cảm nhận.
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với cả nước, TP HCM bước vào công cuộc đổi mới để phát triển và hội nhập với thế giới - khu vực. Với một vị trí địa lý - kinh tế thuận lợi, một tiềm năng lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân cùng sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo, TP HCM đã nhanh chóng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một làn sóng đầu tư lớn đã tràn đến TP HCM vào những năm 90 với nhiều dự án đầu tư bất động sản như các tòa nhà cao tầng, các khu nhà ở. Dấu ấn của thời kỳ này có thể nhận thấy qua hình ảnh của các tòa nhà văn phòng như Metropolitan, Diamon Plaza… hay Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trong Khu đô thị mới Nam thành phố…
Như chúng ta đều biết, công cuộc cải tạo phát triển đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như TP HCM - một trong những đầu tầu kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước là một xu thế tất yếu, mang tính thời đại như đã từng diễn ra tại các đô thị lớn trên thế giới và nhất là khu vực Đông Nam Á trong thời gian qua.
Quá trình cải tạo phát triển đô thị đã và đang diễn ra tại TP HCM, nếu loại ra những sai lầm mang tính chủ quan mà chúng ta đã phải trả giá thì về mặt khách quan phải khẳng định những kết quả đạt được là to lớn và quan trọng. TP HCM sau 30 năm đổi mới đã thực hiện được những thay đổi mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Trước những biến động lớn về tính chất, chức năng đô thị, quy mô dân số tăng liên tục kéo theo việc mở rộng không gian phát triển đã tác động mạnh tới bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mà bấy lâu nay đã in đậm dấu ấn trong tâm trí của người dân thành phố mà còn của những du khách gần - xa. Khá nhiều ý kiến của người dân và của cả những nhà chuyên môn lo lắng rằng, TP HCM đang đánh mất dần “Bản sắc kiến trúc đô thị” riêng của mình trong quá trình phát triển hội nhập. Điều đó là hoàn toàn đúng khi có những thời gian chúng ta khá lúng túng giải bài toán cải tạo - phát triển đô thị, nhất là ở khu vực trung tâm hạt nhân - lịch sử của thành phố. Đó là việc cho phép tháo dỡ các công trình công cộng, biệt thự thấp tầng để xây dựng những cao ốc văn phòng, khách sạn, thậm chí là chung cư cao tầng ngay trong khu vực trung tâm thay vì hướng tới các khu vực phát triển mới tại Thủ Thiêm, Quận 2 - 7…
Chung cư cao tầng trung tâm Q1 TP HCM.
Những bước đi ban đầu để tạo dựng “Bản sắc Kiến trúc đô thị” TP HCM trong thời kỳ hội nhập phát triển
Đứng trước thực tế trên, bản thân người viết là Kiến trúc sư nên cũng có rất nhiều tâm tư khi còn đang tham gia nghiên cứu và đào tạo… Rất mong muốn có những đóng góp cho việc gìn giữ bộ mặt đặc trưng của kiến trúc – cảnh quan đô thị. Chính vì vậy khi được điều động làm công tác quản lý nhà nước về quy hoạch - kiến trúc tại TP HCM, những trăn trở trên đã tác động rất mạnh đến những suy nghĩ và hành động của tôi ngay sau khi nhận nhiệm vụ. Đây chính là thời kỳ mà bất động sản tại thành phố đang phát triển “rất nóng”, khi mà hàng trăm dự án nhà cao tầng đang tập trung xin phép đầu tư ngay tại Khu vực trung tâm hiện hữu thành phố. Dự án nào cũng xin xây dựng mấy chục tầng trên những khuôn viên đất khá nhỏ hẹp…
Đây cũng chính là thời kỳ mà công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị lại chỉ đang tập trung vào công tác “phủ kín quy hoạch” với quyết tâm phê duyệt một hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị từ quy hoạch chung xây dựng thành phố đến quy hoạch riêng xây dựng các quận - huyện và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Hệ thống đồ án này rất quan trọng trong việc quản lý phát triển đô thị khi mà các thông tin như hệ thống giao thông với các lộ giới được xác định, chức năng các khu đất, quy mô dân số… nhưng lại thiếu vắng những thông tin để kiểm soát không gian phát triển mà chỉ có những chỉ tiêu rất khó sử dụng như tầng cao trung bình.
Vậy làm sao có thể kiểm soát được không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị, trong khi đây lại chính là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần tạo dựng “Bản sắc kiến trúc đô thị”.
Với khu trung tâm hiện hữu TP HCM, chỉ với một vài đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt không kiểm soát được không gian phát triển tại khu vực này, bên cạnh đó thì công trình nào nên gìn giữ bảo tồn, công trình nào có thể cho phá dỡ để xây dựng mới và nếu cho xây thì cao bao nhiêu để không phá vỡ cảnh quan, thậm chí còn góp phần tôn tạo thêm cho không gian đô thị.
Cũng chính từ việc nghiên cứu và phân tích không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị, chúng tôi nhận ra một triết lý khá giản đơn, mộc mạc mà cha ông ta, những người đã tạo ra và gìn giữ “Bản sắc kiến trúc đô thị” Sài Gòn - TP HCM chính là sự kiểm soát không gian đô thị luôn trong một “trạng thái hài hòa” phù hợp với những điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội cho phép, bên cạnh đó vận dụng sáng tạo các thành tựu khoa học công nghệ xây dựng của từng thời kỳ phát triển.
Vậy thì nhiệm vụ của chúng ta hôm nay để tạo dựng “Bản sắc kiến trúc đô thị” TP HCM trong thời kỳ hội nhập phát triển chính là tiếp tục đi theo con đường mà cha ông ta đã đi. Đó là chúng ta phải nghiên cứu để tìm cho ra một “trạng thái hài hòa” mới, phù hợp với các điều kiện hiện nay.
Trước áp lực đáp ứng nhu cầu đầu tư để thành phố tiếp tục cải tạo phát triển mà vẫn giữ gìn và tạo dựng được “Bản sắc kiến trúc đô thị” phù hợp, không theo lối mòn khi cho phép xây dựng công trình nào cũng phải “họp lên - họp xuống” như trước đây. Chúng tôi đã quyết tâm đi tìm giải pháp để tạo dựng được “Bản sắc kiến trúc đô thị” TP HCM trong thời kỳ hội nhập phát triển bằng việc phải nghiên cứu để tìm cho ra một “trạng thái hài hòa” mới, phù hợp với các điều kiện hiện nay.
Sau khi tổng hợp - phân tích tình hình phát triển kiến trúc - cảnh quan đô thị tại khu vực trung tâm hiện hữu thành phố sau hơn một thập kỷ cải tạo phát triển và được lãnh đạo thành phố và Bộ Xây dựng ủng hộ, năm 2007 Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đã tổ chức thi quốc tế tìm ý tưởng nghiên cứu đồ án “Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) khu trung tâm hiện hữu TP HCM” và “Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP HCM” với ranh giới 930ha. Cả 2 đồ án này đều được Cty Nikken Seikkei (Nhật) nghiên cứu thực hiện và được phê duyệt năm 2013.
Cùng với đồ án “Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000” và “Hướng dẫn thiết kế đô thị” Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Cty Sasaki (Mỹ) nghiên cứu thực hiện và được phê duyệt năm 2005, toàn bộ Khu trung tâm hạt nhân của TP HCM đã có công cụ kiểm soát việc cải tạo và phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Song song với công việc trên, chúng tôi đã đề xuất và được chấp nhận cho nghiên cứu triển khai “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP HCM” năm 2013. Chương trình này hiện đang được triển khai khá khẩn trương để có thể hoàn thành vào cuối năm 2016.
Trong quá trình nghiên cứu thực hiện các đầu việc trên cùng các nhà tư vấn quốc tế, chúng tôi cùng với các chuyên gia trong nước và nước ngoài luôn hướng tới việc phát triển một tập hợp các công trình kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, những không gian công cộng, không gian cây xanh - mặt nước… trong một tổng thể không gian đô thị mang một “trạng thái hài hòa” mới để tạo ra và gìn giữ “Bản sắc kiến trúc đô thị” Sài Gòn - TP HCM trong thời kỳ hội nhập phát triển. Đây cũng chính là những bước đi ban đầu để tạo dựng “Bản sắc kiến trúc đô thị” TP HCM trong thời kỳ hội nhập phát triển.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: