Do vậy ban lãnh đạo TPHCM phải tính toán cẩn trọng, bởi đi sau thường có tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách nên dễ rơi vào duy ý chí.
Gian nan lộ trình xây dựng TPST Thủ Đức
Cũng như các TPST trên thế giới, TP Thủ Đức sẽ là trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao, tương tác đa chiều nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung theo hướng nền kinh tế tri thức.
Và theo kỳ vọng khi hình thành nó sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho TPHCM và người khởi xướng ý tưởng đã phỏng đoán “sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM”, tức khoảng 7% GDP của cả nước.
Theo ý tưởng ban đầu sau khi sáp nhập 3 quận nơi đó sẽ là một đơn vị hành chính mới chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TPHCM, có 36 phường; là đơn vị có diện tích lớn nhất (212km2) so với các quận nội thành, lớn gấp 30 lần quận 1 (7km2), gấp 53 lần quận 4 (4km2), gấp 43 lần quận 3 (5km2) và chỉ nhỏ hơn 3 huyện là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, và có dân số đông nhất toàn TP là 1,1 triệu người, gấp 5,5 lần quận 4 (200.000 người).
So với các TPST trên thế giới thì nó là một trong các TP lớn nhất và đông dân nhất. Chính vì điều này mà có một loạt câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm hiện thực hóa nó.
- Thứ nhất, nguồn tài chính từ đâu để phát triển TPST, mức đầu tư ban đầu của các TPST trên thế giới thường là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. TPHCM chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư là không dễ, trong khi quỹ đất trống của TP Thủ Đức không còn nhiều, ngay cả khi TPHCM được Trung ương phân bổ ngân sách tăng từ 18% lên 23%, miếng bánh ngân sách này không đủ lớn để bao cho TP Thủ Đức.
Thông thường quốc gia, TP chủ quản nếu không đầu tư được 100%, ít nhất phải có một vốn mồi làm cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hoàn chỉnh mới dẫn dụ được nhà đầu tư.
Trong khi TPHCM đang đói vốn, biểu hiện rõ ràng nhất là Thủ Thiêm đất sạch có sẵn mà cho đến nay mới xây dựng được một công trình dở dang là nhà triển lãm, phần còn lại không biết đến bao giờ mới lấp đầy theo quy hoạch của Sasaki.
- Thứ hai, để chuyển một vùng đất rộng lớn hơn 212km2 với 1,1 triệu dân với đa chức năng sang thành một TP tập trung chủ yếu vào chức năng sáng tạo là điều rất khó khăn, do vậy người cầm trịch phải tính đến lộ trình trước-sau, và các dự án thành phần ưu tiên, làm sao có hiệu quả mà không xáo trộn đến đời sống người dân.
Vấn đề là hạt nhân TPST nằm ở đâu?
Trong thời gian 5-10 năm tới, TPHCM tập trung phát triển phần hạt nhân của TP Thủ Đức. Đó là cái lõi quyết định đến việc “sáng tạo”, nếu không có phần này hoặc có mà mờ nhạt, yếu ớt coi như đề án thất bại, bởi nó là thành phần quan trọng nhất quyết định toàn bộ sự vận hành của TPST.
Vậy hạt nhân của TPST Thủ Đức nằm ở đâu? Và phát triển nó như thế nào? Ở đây có một điều cần làm rõ nếu không người dân lầm tưởng. Những ngày qua mọi người dân, kể cả những cán bộ nhà nước ở các sở chức năng xem sơ đồ mô tả TP Thủ Đức đang có trên mạng là một phần của bản đề án trình Chính phủ.
Cần nhấn mạnh bản đề án ấy là sản phẩm của nhóm tham gia cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông” đạt giải nhất là Sasaki-Encity. Để thuyết phục lãnh đạo TP, họ đưa ra 6 địa điểm được coi là trung tâm hay trọng điểm dẫn dắt TPST. Tuy nhiên, 3 trong 6 trung tâm đó không liên quan nhiều đến sáng tạo.
Đầu tiên phải kể đến là Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc 220ha, dù nói gì thì đây là một quần thể thể dục thể thao gồm sân vận động, các bãi và nhà tập, thi đấu (hiện nay vẫn chưa triển khai).
Thứ hai, Khu đô thị Cảng Trường Thọ rộng 500ha được coi là trung tâm của TP Thủ Đức, đây là trung tâm hành chính-thương mại-dịch vụ (còn trên giấy, chưa biết đến bao giờ mới ra đời), trung tâm này cần thiết cho một TP hay một quận như bất cứ đơn vị hành chính nào.
Thứ ba, Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm rộng 770ha, cho đến nay còn khoảng phân nửa, chưa có công trình nào xuất hiện ngoài các dự án của Tập đoàn Đại Quang Minh.
Việc đưa Thủ Thiêm về TP Thủ Đức cũng chưa nhận được sự đồng tình cao của chuyên gia và người dân, kể cả một vài bộ chủ quản vì theo Quyết định 367 ban hành 1996 của Thủ tướng Chính phủ, thì Thủ Thiêm là phần mở rộng của khu vực 930ha nhằm thực hiện các chức năng còn thiếu và yếu của trung tâm TP, cho nên nhập nó về quận 1 nghe có vẻ hợp lý hơn.
Còn nếu nhập về TPST thì nó cũng chỉ là trung tâm tài chính nơi có các ngân hàng, thị trường chứng khoán và giao dịch thương mại, không có tính sáng tạo.
Thứ tư, khu trung tâm công nghệ sinh thái quận 9 cũng vẫn trong giai đoạn thai nghén, với diện tích quá nhỏ với 25ha, có thể đưa về khuôn viên đại học quốc gia (ĐHQG) còn nhiều đất trống.
Như vậy phần được coi là sáng tạo thực chất chỉ có 2 nơi là ĐHQG TPHCM và khu công nghệ cao. Theo nguyên lý phát triển là bắt đầu từ hạt nhân rồi lan tỏa ra, bắt đầu từ nơi có chức năng chính rồi các thành phần khác xuất hiện theo nhu cầu và thời gian, rõ ràng việc tập trung toàn lực phát triển phần hạt nhân là nhiệm vụ ưu tiền hàng đầu của TPST.
Thêm nữa, các quốc gia phát triển TPST gần đây đều theo xu hướng nén lại trên một diện tích nhỏ, thậm chí rất nhỏ như Dubai, nén thị trấn sáng tạo nông nghiệp công nghệ cao chỉ trong diện tích 50ha, chính trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin cho phép làm được điều đó.
Những đóng góp ý kiến tham khảo TPST
Phát triển TPST là điều cần thiết, nhưng làm sao để phát triển bền vững tránh “đầu voi, đuôi chuột” thì cần có những bước đi thận trọng, nếu không chỉ mang lại cơ hội cho đầu cơ đất đai, còn người dân rơi vào những xáo trộn không cần thiết. |
Nhìn vào hai sơ đồ 1 và 2, chúng ta thấy TP Thủ Đức ứng với mô hình số 2. Đó là loại TPST hình thành trên nền tảng cải tạo, nâng cấp một khu dân cư có sẵn (ở đây là 3 quận hợp thành). Trong 5 năm tới, với khả năng tài chính và tiền đề có sẵn TPHCM cùng với TP Thủ Đức phải tập trung toàn lực cho phần hạt nhân.
Đó là khu đô thị ĐHQG TPHCM có diện tích 643ha (mới cắt mất 10ha ở Linh Xuân để làm khu cư trú cho người dân giải tỏa trong khuôn viên của ĐHQG) và khu công nghệ cao 800ha. Nhưng điều này còn phù hợp với nguồn lực hiện nay trên tinh thần “liệu cơm, gắp mắm”. Tuy nhiên để biến nơi này thành hạt nhân sáng tạo của TP Thủ Đức cần phải lưu tâm đến các điều sau đây:
- Thứ nhất, làm sao kết nối liền mạch không gian giữa khuôn viên ĐHQG với khuôn viên của Khu công nghệ cao lại. Hiện nay chúng bị chia cắt bởi xa lộ Hà Nội và hệ thống đường trên cao hình hoa thị.
Khoảng trống giữa 2 khu vực này là 28ha, và điểm gần nhất theo đường chim bay khoảng 1.000m. Khả thi nhất là làm một hệ thống ngầm nối mạch giữa 2 đơn vị này lại, một bên làm nghiên cứu- đào tạo, còn một bên là chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm. Còn phần trên mặt đất biến thành công viên.
- Thứ hai, đàm phán để 3/4 diện tích đất của ĐHQG trở về TPHCM. ĐHQG TPHCM có diện tích khoảng 650ha, nhưng chỉ có 120ha là thuộc về TPHCM, phần còn lại 430ha thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nếu ĐHQG là đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ GDĐT quản lý thì không có gì để bàn, nhưng đây là một phần cơ hữu của TP Thủ Đức phải nhập về, vì TP phải có ranh giới lãnh thổ rõ ràng.
- Thứ ba, ĐHQG TPHCM phải liên kết với các trường hàng xóm như ĐH Nông Lâm, ĐH Kỹ thuật Thủ Đức nhằm tăng cường sức mạnh, bản thân ĐHQG phải thay đổi cơ cấu theo hướng nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng của công nghệ-kỹ thuật hiện đại hướng đến thị trường.
Nhưng hiện nay ĐHQG chủ yếu vẫn là giáo dục-đào tạo, các đơn vị có năng lực nghiên cứu ra sản phẩm phục vụ xã hội không nhiều, chỉ có một vài khoa trong các trường như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, Khu công nghệ phần mềm, Viện tài nguyên-Môi trường là có sản phẩm, nhưng còn rất khiêm tốn vì đội ngũ còn mỏng, thiết bị máy móc nghèo nàn, lạc hậu.
Do vậy phải nâng cấp trang bị thêm các phòng thí nghiệm, nhà xưởng sản xuất hiện đại, thiết bị máy móc tiên tiến nhất thế giới, trong đó có những máy có giá nhiều triệu USD.
- Thứ tư, làm cho khu đô thị sáng tạo này (bao gồm cả ĐHQG và Khu công nghệ cao) có thêm sức sống. Hiện nay ĐHQG có chừng 70.000 sinh viên và giáo viên, 40.000 người làm việc ở Khu công nghệ cao, nhưng cả hai nơi này chỉ sôi động ban ngày, còn ban đêm vắng lặng trở thành TP “ngày sống đêm chết”.
Do vậy cần phải đầu tư nhiều hơn và phải mở rộng thêm cho khu đô thị ĐHQG chức năng cư trú, dịch vụ và kinh tế. Như thế ĐHQG mới liên kết cho thuê mướn mặt bằng tạo nguồn kinh phí, xây dựng khu ở cho gia đình các nhà khoa học, cho các chuyên gia nước ngoài; phát triển các loại dịch vụ dân sinh đa dạng như bệnh viện, nhà trẻ, trường tiểu học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu thể thao, chăm sóc sắc đẹp.
- Thứ năm, TPHCM phải coi ĐHQG là bộ phận hữu cơ của TP và có đầu tư trọng điểm, có nghĩa là ĐHQG TPHCM có trong danh sách được phân bổ tài chính hàng năm từ HĐND, bởi lẽ hiện nay ĐHQG hoạt động từ ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, nguồn ngân sách cho giáo dục vốn hạn hẹp cho nên bản thân khu đô thị này sau 25 năm mới chỉ xây dựng được các công trình phục vụ cho học tập, còn thiếu vắng rất nhiều các hạng mục công trình khác.
Phát triển TPST là điều cần thiết, nhưng làm sao để phát triển bền vững tránh “đầu voi, đuôi chuột” thì cần có những bước đi thận trọng, nếu không chỉ mang lại cơ hội cho đầu cơ đất đai, còn người dân rơi vào những xáo trộn không cần thiết.
Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết và quyết định sự thành bại của TP sáng tạo Thủ Đức là “con người”, nếu không thu hút các nhà sáng tạo thì rất có thể công sức, tiền bạc đổ sông đổ bể vì đầu tư tốn kém cho các cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: