Đất nông nghiệp thành đất thổ cư
Theo UBND TP.Hà Nội, đến nay, hầu hết các nông - lâm trường vẫn không có hoặc thiếu bản đồ, hồ sơ địa chính. Nhiều đơn vị còn không nắm rõ mình đang quản lý bao nhiêu diện tích đất. Chính vì vậy, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp về đất đai, giao đất trái thẩm quyền, chuyển nhượng trái phép, xây dựng nhà kiên cố trên đất được giao khoán tại các nông - lâm trường diễn ra ở khắp nơi.
Cụ thể, Cty CP Việt Mông đã chuyển thành đất ở hơn 39,2ha; 11,6ha khác bị lấn chiếm. Cty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn có 31ha đất xây dựng nhà cửa, 13,8ha khác đang bị lấn chiếm, tranh chấp; trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncađa bị lấn chiếm 43,7ha và 20,6ha khác đã biến thành đất ở; Cty cổ phần giống gia cầm Ba Vì có diện tích chuyển mục đích thành đất ở là 20,81ha...
Bên cạnh đó, có không ít diện tích đất, ao hồ giao khoán tại nhiều khu vực đã bị san ủi, lấp, làm biến dạng đất để sử dụng sai mục đích... Ngoài ra, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị biến thành đất thổ cư, nơi cư trú của hàng trăm hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu. Trong đó, nhiều hộ đã xây nhà kiên cố trên đất được giao.
Chuyển nhượng đất trái pháp luật
Với các nông - lâm trường đã cổ phần hóa, hiệu quả sử dụng đất vẫn giậm chân tại chỗ. Hầu hết các đơn vị chưa thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các nông - lâm trường này cũng chưa nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định. Công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, dẫn tới nhiều diện tích đất bị lấn chiếm, chuyển mục đích thành đất ở và phát sinh tranh chấp. Nhiều hộ được giao khoán đất để sản xuất đã tự xây nhà ở, chuyển nhượng đất trái pháp luật nhưng không được ngăn chặn.
Ở các nông - lâm trường chưa được cổ phần hóa, tình hình còn đáng báo động hơn. Dù được quản lý diện tích đất đai rất lớn, có vị trí đắc địa, song công tác quản lý hầu như bị buông lỏng trong thời gian dài, khiến việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất trái pháp luật diễn ra phổ biến. Đặc biệt, ở một số nông - lâm trường, đã xuất hiện cả tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nhận khoán trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Nhiều khu đất bị sử dụng không đúng mục đích giao khoán hoặc để hoang hóa. Không những thế, lợi dụng việc quản lý lơi lỏng, một số tổ chức và cá nhân đã mua gom, để đầu cơ trục lợi từ diện tích đất do doanh nghiệp quản lý.
Không chỉ có vậy, một số đơn vị còn tự ý chia đất công mà mình có trách nhiệm quản lý cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở, dẫn tới những hệ lụy rất khó xử lý. Điển hình là các vụ việc ở Vườn quốc gia Ba Vì, chi nhánh Cty TNHH một thành viên Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá tại Ba Vì.
Trước thực trạng trên, UBND TP kiến nghị phải thay đổi mô hình hoạt động của các nông - lâm trường, trạm trại cho phù hợp quy định pháp luật về đất đai. Cụ thể, các đơn vị này phải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Nhà nước cho thuê đất hoặc chuyển sang hoạt động công ích chứ không tiếp tục cổ phần hóa như hiện nay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: