Ông Lê Hòa Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM và các Sở, ngành đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Nghị định 30/2021/NĐ-CP, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.
Hàng ngàn dự án thương mại bị ách tắc tại TP HCM sắp được "cứu"
Theo đó, ông Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các Sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung trình UBND TP hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố theo 4 bước.
Bước 1, Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP (có ghi tên “nhà đầu tư”).
Bước 2, Sở Quy hoạch Kiến trúc; hoặc UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng” dự án nhà ở thương mại đã có văn bản “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 (quy định “chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”).
Bước 3, Giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì làm việc với các Sở, ngành trong thời hạn 01 tuần, thống nhất nội dung các thủ tục hành chính tiếp theo trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, hướng dẫn thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bổ sung về quy trình trên, Chủ tịch HoREA đề xuất các bước thủ tục tiếp theo. Trong đó, giao Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện thủ tục giao thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Và bước cuối cùng là Sở Xây dựng thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; đồng thời Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất và thông báo để chủ đầu tư thực hiện.
Quy trình trên sẽ là bước đệm cho các Nghị định, Luật mới đi vào thực tiễn.
Đặc biệt, HoREA cũng đề nghị quy định các dự án chỉ được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai sau khi hoàn tất nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Sau khi đã hoàn thành xây dựng, nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và khách hàng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chia sẻ về hành động trên của UBND TP HCM, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, quy trình trên sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và hỗ trợ hiệu quả để thị trường bất động sản thành phố phát triển minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh, năm 2021, với các quy định mới như Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư 2020…được đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, hơn một quý chính thức có hiệu lực, các quy định trên vẫn chưa đi vào thực tế, giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc.
Nguyên nhân chính là khoảng lặng đợi thông tư, bởi dù có quy định mới nhưng không phải địa phương nào cũng dám thực thi ngay. Trong khi đó, lại có thêm cả tình trạng mỗi nơi một cách hiểu, thực thi bất nhất giữa các địa phương gây lúng túng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: