Phát biểu tại tọa đàm, ông Châu khẳng định, nhu cầu tách thửa của cá nhân và hộ gia đình là nhu cầu thiết yếu và chính đáng. Chính vì vậy, 15 năm qua, TPHCM đã có 3 quyết định về tách thửa đất, bao gồm Quyết định 19, sau đó sửa thành Quyết định 33 và mới đây nhất là Quyết định 60 có hiệu lực từ ngày 1/2/2018.
Ông Lê Hoàng Châu phát biểu tại tọa đàm
Quyết định 60 đã góp phần chặn đứng nạn đầu nậu núp bóng chủ đất để phân lô bán nền trái phép. Nhưng hiệu ứng phụ của quyết định này cũng gây không ít khó khăn cho nhiều người. Một số quy định chưa thật chuẩn xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, chẳng hạn như quy định không cho tách thửa “đất ở xây dựng mới”, “đất sử dụng hỗn hợp”.
Ràng buộc này đã làm ách tắc hoạt động tách thửa đất trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành trong hơn hai năm qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa của các cá nhân, hộ gia đình.
“Ngay trong các quận nội thành của thành phố vẫn có tình trạng một khu dân cư ổn định trên dưới 40 năm, nhưng về đăng ký đất đai vẫn còn ghi đất lúa, đất trồng cây ngắn ngày. Có nghĩa là công tác quản lý nhà nước của chúng ta không theo kịp”, ông Châu cho biết.
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết trong những năm qua, công tác quản lý đất đai xây dựng có nhiều vấn đề. Đặc biệt, quá trình triển khai Quyết định 60 của thành phố có rất nhiều vướng mắc về diện tích tối thiểu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật... khi người dân có nhu cầu tách thửa.
Chẳng hạn, đất nông nghiệp chỉ quy định đất tối thiểu mà chưa quy định về chiều ngang, thực tế có những miếng đất chiều ngang chỉ 10m nhưng chiều dài có thể lên 100-200m. Điều này cũng có thể tách thửa theo nhu cầu nhưng mục đích sử dụng phải kiểm tra rà soát.
Theo ông Tài, huyện Bình Chánh hiện có 1.800 ha đất quy hoạch xây dựng mới và khoảng 50 ha đất hỗn hợp mà trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định 60 là chưa được tách thửa.
Ngoài ra, cơ cấu chỉ tiêu quy hoạch đất ở tại Bình Chánh còn thấp, tương đương khoảng 6.500 ha/25.000 ha tự nhiên của huyện. Đây là tỷ lệ còn thấp trong khi tốc độ gia tăng dân số trên 3,5%/năm, tương đương trên 30.000 người/năm. Cơ cấu đất ở như vậy không đáp ứng kịp nhu cầu đất ở của người dân.
Dẫn báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc, ông Lê Hoàng Châu nói thêm, hiện thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch “đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới”.
“Cho đến hôm nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có số liệu người dân đã nộp hồ sơ mà chưa được giải quyết. Nhưng với quy mô diện tích hai loại đất nêu trên, có thể có hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình đã không thể thực hiện được thủ tục tách thửa đất theo nhu cầu trong thời gian qua”, ông Châu phát biểu.
Người đứng đầu Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, vấn đề lớn nhất tại Quyết định 60 là cụm từ “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” tại Khoản (1.a) Điều 5 không phù hợp với quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai và cũng không phù hợp với quy định trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, cần bỏ hai cụm từ này.
Ông Châu cũng đề nghị UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5 theo hướng quy định rõ “các trường hợp không được tách thửa”, “các trường hợp được tách thửa và điều kiện tách thửa”, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất.
Ngoài ra, tỷ lệ mật độ xây dựng cũng cần phải được xem xét cấp phép tùy theo đề xuất nhu cầu thực tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: