Một trong những tòa nhà của Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội. Ảnh khai thác
Ông Nguyễn Bảo Khánh là một trong gần 500 gia đình về ở tại Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội đã vài năm nhưng chưa có sổ đỏ. Đến giờ, chủ đầu tư vẫn giải thích, nguyên nhân là do cơ chế. Để thuận tiện cho sinh hoạt, ông Khánh đã xin tự làm sổ đỏ, nhưng cũng không được, bởi làm như vậy là không đúng với quy định của nhà nước.
“Qua tư vấn của Phòng Tài nguyên Môi trường quận thì được biết, đây là một quần thể chung nên không thể làm riêng cá biệt từng hộ được. Chúng tôi cũng mong chủ đầu tư tìm giải pháp để người dân có sổ đỏ sớm”, ông Nguyễn Bảo Khánh nói.
Trong số 300ha của khu Đô thị Việt Hưng mà chủ đầu tư là Tổng công ty phát triển nhà và đô thị (HUD), có 2ha được chuyển cho công ty thành viên là Công ty HUD 3 (nhà đầu tư thứ phát). Sau đó, 2ha này được hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp thứ ba và doanh nghiệp này đứng ra ký hợp đồng mua bán với người dân. Nhưng khi dự án chưa hoàn thành thì doanh nghiệp thứ ba đã xin rút không tham gia đầu tư nữa.
Theo ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty HUD 3, tất cả các giao địch trên không sai về luật, nhưng việc bên thứ ba xin rút giữa chừng thì chưa hề có trong quy định về cấp sổ đỏ. “Chúng tôi tiếp nhận lại nhưng vướng ở chỗ, hợp đồng ở thời điểm đấy thì chủ đầu tư kia ký với người dân, còn chúng tôi là chủ đất lại là người đi làm thì lại không rơi vào một trong các gạch đầu dòng nào trong các quy định mà pháp luật ban hành, tự dưng chúng tôi trở thành trường hợp ngoại lệ”.
Sự việc diễn ra trên thực tế, nhưng lại chưa có trong quy định, chỉ là 1 trong 4 trường hợp vướng mắc hiện nay mà Hà Nội đang phải tháo gỡ để cấp sổ đỏ cho trên 90% các dự án đã đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giải pháp mà Hà Nội đưa ra để trình lên Chính phủ là ưu tiên cấp sổ đỏ cho người dân trước, còn doanh nghiệp sẽ chiếu theo các quy định để xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định: “Những cái gì thuộc thẩm quyền của Hà Nội thì chúng tôi vẫn tiếp tục làm, tiếp tục triển khai việc cấp giấy, còn những nội dung nào vượt thẩm quyền thì chúng tôi phải chờ chỉ đạo cũng như hướng tháo gỡ của Bộ TNMT cũng như Chính phủ”.
Mục đích của việc cấp sổ đỏ là để tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng đất và tránh thất thu ngân sách. Việc có tới 90% các dự án đô thị tại Hà Nội đã đi vào sử dụng nhưng vẫn chưa có sổ đỏ cũng đồng nghĩa với việc còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất. Trong khi đó, ngân sách lại thất thu từ việc thuế trước bạ làm sổ đỏ, còn người dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày vì chờ đợi. Một cơ chế đặc thù như đề xuất trên để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ rất cần được cân nhắc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: