Chỉ tính 4 dự án lớn cần quỹ nhà tái định cư (TĐC) trong năm 2012 và 2013, Hà Nội đã thiếu khoảng 6.000 căn hộ.
Trong khi đó, nhiều dự án nhà tái định cư bị chậm tiến độ 4- 5 năm, một số dự án chuyển mục đích khác, có dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho thành phố... Đây là những "khiếm khuyết" về quỹ nhà TĐC vừa được Sở Xây dựng báo cáo UBND TP Hà Nội.
Do nguồn nước ô nhiễm, cách đây 2 tháng người dân khu nhà tái định cư (khu đô thị Nam Trung Yên) phải dùng nước xe téc. Ảnh: V.H
57 dự án nhà ở tái định cư Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện 57 dự án xây dựng nhà ở tái định cư với khoảng 13.565 căn hộ. Trong đó, 10 dự án có khả năng hoàn thành trong 2 tháng cuối năm 2011 (611 căn hộ). Với 47 dự án đang triển khai dự kiến sẽ hoàn thành trong các năm 2012 - 2015 với tổng số trên 12.000 căn hộ. Cụ thể, năm 2012 dự kiến hoàn thành 1.394 căn hộ, giai đoạn 2013 - 2015 hoàn thành hơn 11 nghìn căn hộ còn lại. |
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC tại TP Hà Nội là do một số chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ như cam kết ban đầu. Việc thực hiện các dự án nhà TĐC quá chậm dẫn tới quỹ nhà TĐC thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng tiến độ. Cụ thể như dự án khu nhà ở di dân GPMB tại Hoàng Cầu, Đống Đa; dự án X1, X2 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân... Việc chậm triển khai các dự án cũng dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư, nhiều phát sinh phức tạp do giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng.
Mặt khác, quỹ đất 20% tại các khu đô thị dành để xây dựng nhà ở TĐC, các chủ đầu tư đều chậm GPMB để bàn giao cho thành phố đầu tư xây dựng nhà ở TĐC. Hơn thế, một số dự án được UBND thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở TĐC sau đó lại chuyển sang mục đích khác cũng làm giảm đáng kể quỹ nhà TĐC. Một số dự án dừng triển khai như dự án D2 hồ Ba Giang, phường Quang Trung, Đống Đa (88 căn), dự án khu Công viên hồ ba Mẫu, quận Đống Đa (88 căn)...
Đặc biệt, tại dự án xây dựng 133 căn hộ tại nhà 11 tầng lô NOTC (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông làm chủ đầu tư, mặc dù dự án đã cơ bản hoàn thành từ năm 2010 nhưng chủ đầu tư không thực hiện bàn giao. Theo Sở Xây dựng, dự án này còn vướng thủ tục đấu nối điện, nước và phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ đầu tư không thực hiện nốt các phần việc này. Trước thực trạng đó, UBND thành phố đã cho phép Ban QLDA các nguồn vốn thuộc ngân sách cấp (Sở Xây dựng) phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận nguyên trạng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đa dạng hình thức tái định cư
Dân đã vào ở nhưng hạ tầng kĩ thuật vẫn chưa được hoàn thiện. Ảnh: V.H
Theo thống kê của Sở Xây dựng, số căn hộ TĐC đã sử dụng năm 2011 là 711 căn hộ, hiện còn hơn 1.600 căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng. Tuy nhiên số căn hộ nêu trên đã bố trí cho các dự án. Cụ thể Dự án cầu Nhật Tân bố trí 360 căn tại nhà CT 14 khu đô thị Nam Thăng Long đã sử dụng 210 căn, còn 150 căn chưa sử dụng; các dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác- đê Nguyễn Khoái, đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đều được bố trí quỹ nhà tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên...
Nhưng còn một số dự án lớn hiện chưa cân đối được quỹ nhà TĐC, bao gồm dự án vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng (cần 3.500 căn hộ), dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn quận Tây Hồ (nhu cầu 900 căn hộ), dự án đường Tam Trinh - Lĩnh Nam (cần 900 căn hộ), dự án Công viên Yên Sở (cần khoảng 500 căn hộ)... Theo Sở Xây dựng, với số lượng căn hộ lớn và nhu cầu sử dụng ngay trong năm 2012 và 2013 thì các dự án nhà TĐC dự kiến hoàn thành 2012 không thể đáp ứng được. Để đảm bảo quỹ nhà TĐC cho các dự án, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố cho phép sử dụng nhiều phương pháp TĐC như TĐC bằng tiền, tạm cư bằng tiền, mua quỹ nhà kinh doanh tại các khu đô thị mới, mua quỹ nhà của nhà đầu tư dự án BT đã có hoặc giao nhà thầu dự án BT ứng vốn đầu tư xây dựng nhà TĐC.
Trước thực trạng một số dự án do yêu cầu phải bố trí gấp phục vụ GPMB các dự án trọng điểm nên đưa dân vào sử dụng sớm, trong khi chưa hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu TĐC, hoặc nhà ở TĐC chưa được bàn giao cho Sở Xây dựng (khu Nam Trung Yên) đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ dân. Sở Xây dựng đã kiến nghị thành phố bố trí kinh phí để Sở tổ chức điều tra, đánh giá tình hình, điều kiện sống của người dân sau khi được TĐC, đánh giá thực trạng điều kiện ăn ở của các hộ dân, đề xuất các giải pháp tạo cơ hội cho người dân có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị thành phố cho điều chỉnh quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án mà theo tiến độ thực hiện chậm hơn 12 tháng chưa sử dụng (kể từ khi UBND thành phố bố trí quỹ nhà TĐC cho dự án theo tiến độ và kế hoạch thực hiện của dự án) để bố trí cho các dự án khác có nhu cầu cần ngay quỹ nhà TĐC...