Trong quá trình góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai, nhiều người cho rằng, thời hạn giao đất 50 năm chưa làm nông dân yên tâm sản xuất. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan soạn thảo dự luật, quan điểm của ông thế nào?
- Hiện nay, đất trồng cây hàng năm được giao 20 năm; còn đất trồng cây lâu năm được giao 50 năm. Việc phân định như vậy là dựa theo chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy, giao 20 năm cho cây hàng năm là ngắn, nếu thu hồi theo như kế hoạch 2013, thủ tục rất phức tạp. Vì vậy, thời hạn loại đất này được nâng lên 50 năm.
Với diện tích đất nông nghiệp được giao, nếu không có vấn đề gì thì khi hết hạn, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục giao cho người dân sử dụng (chụp tại Đông Anh, Hà Nội).
Đúng là nếu giao không thời hạn, người dân sẽ yên tâm làm ăn hơn. Tuy nhiên, nếu giao có thời hạn thì người dân cũng có thể yên tâm vì với diện tích đất nông nghiệp được giao, nếu không có vấn đề gì thì khi hết hạn, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục giao cho người dân sử dụng.
Đất ở hiện nay được Nhà nước giao vĩnh viễn cho dân, tuy nhiên khi Nhà nước cần vẫn có thể thu hồi. Vì sao đất nông nghiệp lại không được “ứng xử” như vậy?
- Đất ở về cơ bản là tương đối ổn định. Còn đất nông nghiệp lại có sự biến động lớn. Tuy nhiên, thời hạn đất nông nghiệp giao như trong dự thảo cũng có thể coi là lâu dài.
Như Bộ trưởng nói, việc chia lại đất nông nghiệp cơ bản không diễn ra. Vì sao dự thảo vẫn quy định hạn mức giao và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp?
- Hạn mức được giao là quy định để giao cho người dân sản xuất, tùy vào từng khu vực sẽ có diện tích giao khác nhau, nhưng phải có khung quy định chung để quản lý. Còn hạn mức chuyển nhượng lại liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất. Về mặt xã hội, nếu để một số người dân tích tụ một diện tích lớn đất nông nghiệp thì sẽ làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân. Diện tích sử dụng đất như vậy tôi cho là hợp lý. Còn để điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp, sau này có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết.
Khiếu kiện khi giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp nhất hiện nay. Dự thảo sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?
- Nếu đất được tư nhân hóa như Nhật, Italia… việc sử dụng đất vào mục đích công cộng sẽ rất khó. Ví dụ làm đường cao tốc, nếu chính quyền định thu đất họ sẽ biểu tình. Hiện nay, chúng ta đang trong công cuộc hiện đại hóa, nếu không xử lý được vấn đề này sẽ rất khó khăn. Thời gian vừa qua, chúng ta thu hồi đất của nông dân đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề xã hội. Hy vọng luật mới sẽ giải quyết được những phức tạp này.
Kèm theo đó, Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý đất lúa đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, khi lấy đất lúa, địa phương đều phải xin ý kiến Chính phủ, không được quyết. Bây giờ, chúng ta phải lập lại trật tự trong việc giao đất, nhất là đất nông nghiệp.
Trong dự thảo có đưa ra 4 phương pháp xác định giá đất và giao cho Chính phủ quy định. Vậy cách thức xác định giá đất tới đây sẽ được Chính phủ quy định như thế nào?
- Cách thức cụ thể sẽ được bàn bạc nhưng trong dự thảo, Nhà nước vẫn sẽ ban hành khung giá đất. Tuy nhiên, nếu như trước đây, khung giá chỉ quy định cho các vùng đồng bằng, trung du và miền núi thì dự thảo lần này, luật sẽ quy định “dày” hơn, chi tiết hơn, như quy định ban hành khung giá cho khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Như vậy, giá đất sẽ có độ chính xác cao hơn.
Một vấn đề nữa là khung giá sẽ tồn tại ổn định trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở khung giá đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá. Bảng giá này cũng có sự thay đổi. Hiện có ý kiến cho rằng, bảng giá sẽ tính nhiều nội dung, bao gồm các loại phí và lệ phí. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bảng giá này chỉ tính một số nội dung; nội dung khác sẽ được quy định riêng khi bồi thường. Các vấn đề này sẽ được quy định trong các nghị định, không thể quy định hết trong luật.
Trong giải phóng mặt bằng luôn có khẩu hiệu để người dân có chỗ ở tốt hơn. Nhưng việc thực hiện thời gian qua chưa hẳn đã tốt. Trong dự thảo, vấn đề này được đề cập ra sao, thưa ông?
- Đó là mong muốn của Nhà nước, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với người dân. Trách nhiệm này được đặt ra với những người thực thi công vụ và những người thực hiện chính sách. Có một thực tế là giá đất nông nghiệp đang được xác định rất rẻ; nhưng đất ở lại bị đẩy lên quá cao. Việc định giá đất với danh nghĩa là sát giá thị trường nhưng giá thị trường này là do tệ đầu cơ mang lại chứ không phải là giá thực. Vì thế, khái niệm thế nào là sát giá thị trường cũng phải xem xét. Theo tôi, giá thị trường cũng chỉ mang tính tham khảo.
Với Luật Đất đai mới, Bộ trưởng kỳ vọng nhất điều gì?
- Dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu: Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn. Việc hơn 20.000ha đất đang bị lãng phí hiện nay là một thực trạng đáng buồn phải được giải quyết, xử lý ngay. Thứ hai là hy vọng với luật mới, khi thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, người dân sẽ được lợi hơn. Luật mới sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: Người dân – Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba, tôi kỳ vọng luật mới sẽ giúp giảm bớt khiếu kiện và tham nhũng về đất đai.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: