Lãi suất giảm chưa đủ để cứu doanh nghiệp, điều quan trong là phải giúp họ đủ điều kiện để vay. Ảnh: NGỌC THẮNG
Doanh nghiệp thua lỗ vay kiểu gì?
Tin vui đối với các doanh nghiệp (DN) là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành đã sẵn sàng tung ra gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỉ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay không phải là tiền mà ở chỗ DN không cách nào tiếp cận được vốn.
TS Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT), cho biết từ trước tới nay các gói hỗ trợ đều bế tắc ở chỗ không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn. Ở đây nghĩa là phải có tài sản thế chấp hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi NH. Cuối cùng, khi nhà nước không thể bảo lãnh, NH thì càng không, rốt cuộc không ai vay được.
Vừa qua, theo ông Thúy, các DN công nghiệp có 26,8% đang thiếu vốn, nhưng đây chỉ là trong dịch Covid-19, nếu nhìn chung trong tất cả các năm thì con số này lên tới 60%. “Tôi cho rằng điểm khó nhất bây giờ là xác định được rủi ro, nhưng ai chịu trách nhiệm vấn đề này? Nếu nhiều DN đứt gãy lâm vào cụt vốn thì ai chịu trách nhiệm được, đây là vấn đề cần tháo gỡ”, ông Thúy đặt vấn đề.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho biết gói này dùng ngân sách tài trợ trực tiếp qua các NH thông qua các khoản vay mới. Trong khi theo luật Các tổ chức tín dụng, DN muốn vay vốn phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Với các tiêu chí đó, DN sẽ đứng ngoài nhìn hết.
Cho nên, nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn, ông Nghĩa đề xuất phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ, để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng. Trong gói đặc biệt này có một quy chế riêng cho nó, kéo dài trong một thời gian, hết hạn là kết thúc ngay. Thêm nữa, các NH thương mại phải thanh toán với nhau sòng phẳng. Tất cả phải minh bạch ngay từ đầu trước khi thực hiện, không để những tranh chấp sau đó xảy ra.
Doanh nghiệp đang cạn kiệt dòng tiền và chờ ngân hàng giải cứu. Ảnh: NGỌC THẮNG
Cơ chế đặc biệt do đại dịch
Chia sẻ quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cũng băn khoăn làm thế nào để DN tiếp cận gói này khi mà DN đều rất khó khăn.
“Hầu hết DN đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các DN đều ảnh hưởng tới doanh thu, kết quả kinh doanh không bảo đảm. Nhưng điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi, vậy làm thế nào để nhận được gói hỗ trợ giảm lãi suất? Vậy giờ ai hưởng, hưởng ra sao. NH không thể tự ý giảm chuẩn được, muốn giảm chuẩn phải có một quy chế cho phép họ làm điều đó”, ông Hùng đặt vấn đề.
Để giải bài toán này, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam kiến nghị trong bối cảnh NHNN không thể tự đặt ra một thông tư dưới chuẩn theo quy định, nếu hỗ trợ cần kiến nghị Chính phủ và QH cho phép NH trong một bối cảnh nhất định cấp vốn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo một cơ chế đặc biệt. Cơ chế này có thể vận dụng theo Nghị định 55 của Chính phủ, tức thiên tai dịch bệnh như Covid-19 được vay nợ.
Nếu có cơ chế của QH các DN sẽ tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn, các tổ chức tín dụng có thể cho vay mà không quá lo sợ nếu DN gặp vấn đề họ có thể bị xử lý trách nhiệm, thậm chí là hình sự. “Bộ tài chính và NHNN cần phải đồng thuận cao, cùng phải xắn tay vào, khó khăn thì cần tìm cách để tháo gỡ. Hiện nay, Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt, nên ngành tài chính cần nhìn vào khó khăn của người dân để chia sẻ hỗ trợ”, ông Hùng đề xuất.
Về lo ngại của các chuyên gia, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính năm 2008 trên thế giới, chúng ta đã phải đưa ra gói kích cầu năm 2009. Vào thời điểm đó, gói kích cầu đã đạt được một số mục tiêu, tuy nhiên chưa có được thành công toàn diện. Đó là cơ sở để NHNN cũng như các cơ quan quản lý trong giai đoạn hiện nay tính toán đến một giải pháp hỗ trợ cho DN trong việc xử lý tình huống, khôi phục lại sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Gói 3.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất NH sẽ triển khai, nhưng theo ông Hùng, tiêu chí ra sao các bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau. “Các tiêu chuẩn của gói này cần xin cơ chế đặc biệt, nếu không đặc biệt thì không thể giải ngân vì không DN nào tiếp cận được. Chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để áp dụng cơ chế đặc biệt và chỉ cho gói này trong thời điểm nhất định thôi”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: