Khi nhìn vào tổng sản phẩm quốc nội, được coi thước đo rộng nhất của nền kinh tế, nhà ở đóng một vai trò quan trọng. Tỷ trọng của nhà ở trong GDP của Mỹ là 17,7% riêng trong quý đầu tiên của năm 2021, mức cao nhất trong gần 14 năm. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP hiện vào khoảng 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Do đó, thị trường nhà ở có thể thúc đẩy hoặc kéo giảm tốc độ tăng trưởng, và tại nhiều quốc gia, nhà ở là động lực chính thúc đẩy sự mở rộng của nền kinh tế.
Lĩnh vực nhà ở là một trong những lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Giá nhà và số lượng giao dịch tăng chóng mặt cho thấy nhu cầu về nguồn cung đang thiếu hụt trầm trọng, từ đó giúp hàng trăm nghìn người nhanh chóng được trở lại làm việc.
Về mặt tổng thể, thị trường nhà ở đóng góp vào nền kinh tế trong suốt 4 giai đoạn chính: Trong quá trình quy hoạch và phát triển đất đai, trong quá trình xây dựng thực tế, trong quá trình chuyển nhượng, và khi chủ nhà chuyển đến ở.
Ở giai đoạn quy hoạch và phát triển đất, việc tìm kiếm, mua và phát triển đất đai đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc và sự hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia khác nhau, bao gồm các nhà môi giới đất đai, kỹ sư dân dụng, luật sư, quan chức thành phố, nhà phát triển và nhà tư vấn.
Ở giai đoạn 2, việc bán và xây dựng các lô đất đã quy hoạch cũng mang lại công việc và thu nhập cho hàng loạt lao động từ công nhân xây dựng và nhà thầu phụ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, đội bán hàng và thanh tra, giám sát công trình.
Chuyển sang giai đoạn bán hoặc mua một ngôi nhà, người mua sẽ làm việc với một loạt các chuyên gia và lao động trong nhiều ngành nghề. Những người này chắc chắn không thể thiếu các đại lý bất động sản, môi giới thế chấp, thẩm định viên và công chứng viên (cho vay thế chấp).
Ở giai đoạn mà chủ nhà chuyển đến ở, ngành bán lẻ tại địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, ví dụ như các cửa hàng kinh doanh đồ nội thất, đồ gia dụng, các hãng sơn, các hãng vận tải và nhiều mặt hàng tiêu dùng cho đời sống khác.
Do đó về tổng thể, thị trường nhà ở đóng góp mạnh mẽ vào chu kỳ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế vĩ mô, và là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Theo tính toán của Hiệp hội các nhà xây dựng Mỹ, mỗi ngôi nhà được xây dựng sẽ tạo ra khoảng 3 việc làm. Nhà ở cũng ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế tiêu dùng do nhu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng cao của người dân.
Tuy vậy, sự bùng nổ của thị trường nhà ở hiện nay không phải là không gây ra những hậu quả nhất định. Trước hết, đó là sự bất bình đẳng về kinh tế và đời sống xã hội, khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Thị trường nhà phát triển quá nóng đang tạo ra ràn cản về quyền sở hữu nhà ở đối với những người nghèo không đủ khả năng chi trả cho các khoản tiền trả trước hay điểm tín dụng thấp nên không thể vay ngân hàng để mua nhà. Còn những người đủ kinh tế để sở hữu một căn nhà đang hưởng lợi từ khoản lãi trên vốn chủ sở hữu và khoản thanh toán hàng tháng dễ chịu nhờ mức lãi suất thế chấp thấp kỷ lục.
Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường nhà ở sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng với tốc độ giảm dần khi lãi suất tăng trở lại, mọi người bắt đầu quay trở lại văn phòng làm việc, và những khoản chi tiêu trước đại dịch được khôi phục. Các nhà phát triển và nhà xây dựng cũng cần xem xét những thách thức sẽ đến trong một môi trường mà lãi suất vay thế chấp tăng trở lại và nguồn cung nhà ở tăng lên khi hoạt động xây dựng được tái khởi động. Cách thức giải quyết các vấn đề này khi thị trường trở lại trạng thái bình thường mới duy trì được sự thành công dài hạn của ngành bất động sản và những đóng góp tích cực của ngành nào vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô nói chung.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: