Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng thương mại Nhà nước để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở với lãi suất ổn định 6% trong ba năm và thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm.
Theo dự thảo của NHNN, có 3 nhóm đối tượng khách hàng được vay vốn từ chính sách hỗ trợ trên. Đó là đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, theo thông báo của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, dự thảo quy định mục đích cho vay có hỗ trợ chỉ là để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại, không có nội dung người thu nhập thấp được vay để mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, NHNN cũng chỉ quy định thêm đối tượng được vay hỗ trợ là các doanh nghiệp đang là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, hoặc các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71 của Chính phủ, các loại hình nhà ở xã hội bao gồm cả nhà ở để thuê, thuê mua và nhà để bán. Như vậy, dự thảo của NHNN về cho vay có hỗ trợ đã bỏ sót đối tượng là người vay để mua nhà ở xã hội.
Đành rằng chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng là nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang trong tình trạng “ngủ đông”. Tuy nhiên, với những người thu nhập thấp, để có đủ tiền mua được nhà ở xã hội đã khó, trong khi NHNN lại quy định phải mua nhà ở thương mại mới được vay, như vậy là vô tình làm khó người dân.
Cùng với đó, trước đây Bộ Xây dựng đề xuất trong số 30.000 tỷ đồng dự kiến dành cho vay hỗ trợ thì nên chia làm hai phần, trong đó 65% là dành để cho người thu nhập thấp vay mua nhà, 35% còn lại cho các chủ đầu tư vay để triển khai dự án. Tuy nhiên, đề xuất này không được NHNN đưa vào trong dự thảo, với lý do là các ngân hàng thương mại rất khó để kiểm soát tỷ lệ cho vay này, đồng thời không có chế tài để thực hiện việc cho vay.
Về thủ tục, NHNN cũng nêu rõ “ngoài việc đáp ứng các điều kiện tại dự thảo, người vay còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn thông thường thì mới được vay hỗ trợ”. Tức là có tài sản đảm bảo thế chấp cho ngân hàng. Trong khi đó, đại bộ phận những người có thu nhập thấp khó có thể có tài sản khác như sổ đỏ để thế chấp vay tiền.
Thiết nghĩ, đã thuộc nhóm thu nhập thấp cần được tạo điều kiện vay vốn bằng các quy định ưu đãi mà vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện thông thường thì chỉ có nhóm thu nhập không thấp mới đáp ứng nổi?!
Bộ Xây dựng cũng đã rất nỗ lực kêu gọi nhiều doanh nghiệp bất động sản xin chuyển đổi xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước như miễn tiền sử dụng đất, hoàn tiền sử dụng đất đã nộp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 23% về 10%. Đặc biệt, những người mua nhà ở xã hội cũng sẽ được hỗ trợ vay vốn mua nhà, được miễn giảm thuế VAT từ mức 10% xuống 5%... Một số dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội đang trình hồ sơ xem xét chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Một doanh nghiệp xin giấu tên cho biết, họ sẽ làm hồ sơ xin chuyển một dự án nhưng chỉ chuyển khoảng hơn 50% căn hộ sang thu nhập thấp, số còn lại là nhà thương mại để hưởng thụ chính sách của nhà thu nhập thấp. Doanh nghiệp này coi đây là cách tạo công ăn việc làm trong lúc này thôi và thử xem có bán được nhà không chứ không dám chuyển hết.
Bởi nếu đối tượng mua nhà thu nhập thấp không có trong danh sách cho vay thì các dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội sẽ vẫn tiếp tục ế vì người mua không được vay tiền.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: