Trao đổi với phóng viên, GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ không giải quyết được những vấn đề "nóng” về đất đai hiện nay, nếu như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không công nhận quyền sở hữu hạn chế về đất đai của người dân, tư nhân. Để giải quyết vấn đề đất đai, thì Hiến pháp phải công nhận quyền sở hữu về đất đai của người dân, tư nhân.
GS. Lưu Văn Đạt
PV: Ông có kiến nghị gì về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?
GS. Lưu Văn Đạt: Trong Luật Đất đai sửa đổi, thì vấn đề lớn nhất là dân có quyền sở hữu đất đai hay không? Tư nhân có quyền sở hữu đất đai hay không? Đó là những vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên, Luật Đất đai sửa đổi không đề cập là vì Hiến pháp chưa sửa đổi. Cho nên, vấn đề là phải gắn với Hiến pháp xem có sửa đổi điều đó không. Chứ nếu dựa vào Luật Đất đai cũ thì nhất định người ta chỉ nói đến vấn đề thu hồi đất. Cho nên vấn đề rất cơ bản đó là có thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân hay không? Hiện có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất là sở hữu đất đai cứ để là toàn dân, còn loại ý kiến thứ hai là cần phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Có sở hữu đất đai của người dân, có sở hữu đất đai của cộng đồng, có sở hữu đất đai của Nhà nước. Sở hữu đất đai của Nhà nước chính là sở hữu của toàn dân mà chúng ta thường vẫn gọi. Vấn đề đất đai là vấn đề rất quan trọng trong Hiến pháp lần này và cần được giải quyết. Quyền sở hữu có 3 quyền gồm: chiếm hữu; sở hữu; định đoạt. Các quyền này thì luật pháp thế giới và luật dân sự của Việt Nam cũng đã quy định rõ. Vì vậy, quyền sở hữu và quyền sử dụng là hai khái niệm khác nhau. Mà quyền sử dụng nằm trong quyền sở hữu chứ không phải ngang với quyền sở hữu. Ở các nước khác thì có quyền sở hữu tuyệt đối, nhưng sở hữu về đất đai thì hầu hết các nước đều có quyền sở hữu hạn chế. Hạn chế nghĩa là về thời gian có nước quy định là 99 năm, có nước là 199 năm, nhưng hầu hết các nước là 99 năm. Cái thứ hai là hạn chế về quyền sử dụng, nghĩa là nếu đất đó là thổ địa thì chỉ được làm nhà, còn đất vườn là trồng cây vườn chứ không được làm nhà, đất trồng cấy thì chỉ được trồng cấy chứ không được chuyển công năng từ cái nọ sang cái kia mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, tôi kiến nghị rằng phải thừa nhận quyền sở hữu hạn chế về đất đai của tư nhân. Điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam trước đây. Bởi đến tận năm 1980 chúng ta mới có quyền sở hữu toàn dân về đất đai chứ trước đây không có.
Thưa ông, vậy trong Luật Đất đai sửa đổi phải có cơ chế nào để giám sát việc thu hồi đất vốn đang là đề tài "nóng” của xã hội hiện nay?
- Nếu người dân được sở hữu đất đai thì mỗi khi thu hồi đất chúng ta phải quốc hữu hóa đất đó. Biến cái của dân thành cái của công thì phải theo cơ chế trưng mua, trưng dụng. Như thế ta mới giải quyết được vấn đề thu hồi đất tùy tiện hiện nay. Chúng ta giao quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện, như vậy là có hơn 500 cơ sở có quyền thu hồi đất. Như thế sẽ không thể nào quản lý, giám sát được.
Nếu Hiến pháp công nhận quyền sở hữu hạn chế về đất đai của người dân, thì việc thu hồi đất, và giá đất sẽ được thực hiện theo phương thức nào, thưa ông?
- Thu hồi đất phải được thực hiện theo phương thức quốc hữu hóa, tức là trưng mua, trưng dụng. Trong Hiến pháp cũng như trong Luật Đất đai sửa đổi muốn thực hiện quyền làm chủ của người dân thì phải thừa nhận quyền sở hữu hạn chế về đất đai của người dân. Vì nói quyền của người dân thì trước hết phải xác định rõ là quyền gì? Quyền của người ta là quyền sở hữu hạn chế. Mà muốn đảm bảo quyền đó thì phải thực hiện theo luật pháp, tức là khi người ta là sở hữu hạn chế thì không được tùy tiện thu hồi đất. Nếu thu hồi phải thực hiện theo cơ chế quốc hữu hóa tức là trưng mua, trưng dụng. Giá đất sẽ theo giá thị trường. Hai bên phải thỏa thuận với nhau.
Vậy vấn đề sở hữu đất đai và quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp có mối quan hệ với nhau như thế nào?
- Công dân có quyền sở hữu đất đai, sở hữu hạn chế đất đai. Hai cái đó nó gắn với nhau. Đó là quyền của công dân.
Thưa ông, vậy thì quyền công dân được quy định trong Hiến pháp đã toát lên được ý đó chưa?
- Chưa. Trong Hiến pháp chưa nói rõ quyền đó. Như vậy phải nói rõ công dân có quyền sở hữu hạn chế về đất đai.
Để giải quyết vấn đề đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi thì phải thực hiện như thế nào?
- Nếu mà trong Hiến pháp ghi công dân có quyền sở hữu hạn chế về đất đai thì trong Luật Đất đai sửa đổi phải làm rõ cái hạn chế là như thế nào. Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản nhất. Nếu Hiến pháp mà không quy định công dân có quyền sở hữu hạn chế về đất đai thì Luật Đất đai không thể nào làm khác được. Nếu thừa nhận quyền sở hữu về đất đai thì giá đất sẽ khác. Vì lúc đó phải theo giá thị trường. Hai bên phải thỏa thuận với nhau. Tức là cơ quan nào muốn thu hồi đất thì phải mặc cả, đàm phán với người chủ sở hữu. Chính quy định không chặt chẽ đã đẻ ra nạn tham nhũng, thu hồi đất tùy tiện. Thu hồi rất rẻ mà bán với giá cao. Đó là nguyên nhân của tham nhũng. Nếu thừa nhận quyền sở hữu thì không tham nhũng được nữa, vì đó là quyền của người ta, nếu muốn lấy thì phải thỏa thuận. Điều đó cũng giúp xã hội ổn định đi rất nhiều. Bây giờ có thể nói, những người giàu nhất nước ta thì chỉ có hai loại người. Loại lợi dụng dựa vào đất của dân để làm giàu. Thứ hai là chức quyền. Vì tài sản lớn nhất ở nước ta vẫn là đất đai.
Xin cám ơn ông!