Người dân khu dân cư trên địa bàn phường Thịnh Liệt không được cải tạo, xây dựng cao quá 3 tầng. Ảnh: Vũ Lê
Áp lực của quận đông dân nhất Thủ đô
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, dân số sinh sống trên địa bàn quận hiện khoảng gần 70 vạn người, là quận đông dân nhất của TP Hà Nội. Dân số cơ học tăng nhanh do tốc độ đô thị hóa gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó kéo theo nhu cầu về xây dựng nhà ở của người dân tăng cao trong khi nhiều quy hoạch được duyệt nhưng chưa thực hiện dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo quy hoạch.
Điển hình tại phường Hoàng Liệt có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học liên tục tăng gây sức ép lớn về hạ tầng xã hội, công tác quản lý đô thị đối với chính quyền cơ sở. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh cho biết, dân số toàn phường có 80.000 nhân khẩu (năm 2015 hơn 31.000 nhân khẩu). Tính đến nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 82 tòa nhà chung cư, nhiều dự án đang triển khai, trong đó còn có dự án quy hoạch “treo” chậm triển khai dẫn đến công tác quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, GPMB còn bất cập và thường xuyên thay đổi. Cơ chế quản lý Nhà nước về nhà chung cư mới còn chồng chéo chưa cụ thể dẫn tới công tác lãnh đạo của phường thời gian qua vẫn còn những tồn tại. Tại khu Tây Nam Linh Đàm, các công trình được xây dựng thô từ 2013 đến nay, nhiều công trình đã xuống cấp và cũng được chuyển nhượng qua nhiều chủ sử dụng. Mặt khác, do nhu cầu ở và sinh hoạt của người dân thay đổi, tốc độ đô thị hóa nhanh, thiết kế và công năng cũ không còn phù hợp với đời sống của người dân sinh sống trong khu đô thị. Nhiều chủ sử dụng khi hoàn thiện công trình đã tự ý thay đổi một số hạng mục kết cấu, kiến trúc cho phù hợp nhu cầu sử dụng.
Gỡ vướng quy hoạch
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ địa giới quận Hoàng Mai nằm trong đô thị trung tâm (khu vực nội đô mở rộng). Vì vậy, việc đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng, khu nhà ở, khu đô thị mới, cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu nhằm tạo bộ mặt đô thị văn minh và nâng cao điều kiện sống cho người dân đang được quận Hoàng Mai tích cực triển khai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, do một loạt dự án trên địa bàn đang gặp vướng mắc về quy hoạch dẫn đến chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị trên địa bàn quận.
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Vũ Diêm, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, theo Quy hoạch phân khu H2-3 và H2-4 được TP phê duyệt năm 2015 cho phép chiều cao các công trình tại khu vực dân cư làng xóm cũ giữ lại cải tạo chỉnh trang thuộc dự án khu đô thị được xây cao từ 5 - 7 tầng. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn quận Hoàng Mai có nhiều khu đô thị như Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt), Khu đô thị Đại Kim – Định Công (phường Định Công), các khu đô thị thuộc phường Thịnh Liệt... được phê duyệt đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 từ thời điểm 1996 - 2014 (trước khi có quy hoạch phân khu), có nhiều khu dân cư hoặc làng xóm được giữ lại cải tạo chỉnh trang nhưng người dân chỉ được xây nhà cao không quá 3 tầng.
Theo thời gian nhà ở của người dân xuống cấp, nhân khẩu tăng, không đảm bảo điều kiện để ở muốn cải tạo nâng tầng nhưng không được phép. Theo Luật Xây dựng, khi cấp phép xây dựng phải tuân thủ quy hoạch chi tiết 1/500. Trong khi đó, nhu cầu xây nhà ở của người dân hiện đã nâng lên từ 5 - 7 tầng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phân khu nhưng lại chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết. Do vậy, khu vực này không được cấp Giấy phép xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sống của Nhân dân.
Ngoài ra, Quy hoạch phân khu H2-3, H2-4 khi triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai có một số bất cập, thiếu khả thi trong công tác GPMB, nhiều chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Vũ Diêm dẫn chứng, khu vực Đầm Bông, Đầm Sòi (phường Định Công) theo quy hoạch quận Hoàng Mai năm 2005 có chức năng sử dụng là đất cây xanh khu vực và Quy hoạch phân khu H2-3 được duyệt có chức năng cây xanh khu vực có bổ sung chức năng công trình công cộng hỗn hợp. Tuy nhiên, ô đất hiện trạng đang là đất trống (đất nông nghiệp) và đất ở hiện có, trong đó khu vực dân cũ dọc hai bên ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn là dân cư cũ lâu đời của xã Định Công, nguồn gốc đất là đất ở làng xóm. Việc xác định ô đất trên trong quy hoạch quận Hoàng Mai là đất cây xanh khu vực đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng …
Bên cạnh đó, một số ô đất khi lập quy hoạch chưa khảo sát kỹ dân đến khó khả thi khi thực hiện theo quy hoạch như ô đất C1/TH3 trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp có hiện trạng là đất nghĩa trang, ô đất F4/TH2 Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm liên quan đến công trình di tích đình bằng A nên việc thực hiện công tác GPMB đầu tư xây dựng theo quy hoạch khó khả thi.
Mong muốn của quận là TP sớm chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết của các khu đô thị cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để tiếp tục triển khai dự án. Đồng thời có hướng dẫn áp dụng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 trước thời điểm phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị H2-3, H2-4. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: