Giãn dân phố cổ: Người dân lo kế sinh nhai

Thực hiện giai đoạn I của Đề án giãn dân phố cổ, TP Hà Nội đã lên danh sách những đối tượng trước tiên phải di dời gồm 553 hộ với 1.856 nhân khẩu. Những hộ dân này sẽ được tái định cư tại khu nhà ở giãn dân Việt Hưng, Q.Long Biên.

Thực hiện giai đoạn I của Đề án giãn dân phố cổ, TP Hà Nội đã lên danh sách những đối tượng trước tiên phải di dời gồm 553 hộ với 1.856 nhân khẩu. Những hộ dân này sẽ được tái định cư tại khu nhà ở giãn dân Việt Hưng, Q.Long Biên.

Nhằm phục vụ cho việc di dời, ngày 05/02, UBND Q.Hoàn Kiếm, Q.Long Biên và các sở, ngành, đơn vị chức năng TP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến triển khai "Đề án giãn dân phố cổ". Tại buổi tọa đàm, nhiều băn khoăn, thắc mắc của người dân đã được đặt ra, trong đó tập trung vào các vấn đề sinh kế, đảm bảo môi trường sống, học tập của con em các hộ di dời cũng như chất lượng công trình khu giãn dân...


Rất nhiều người dân phố cổ lo lắng kế sinh nhai khi chuyển về khu giãn dân Việt Hưng

Nhiều nỗi lo

Nhiều cử tri lo lắng về sinh kế tại nơi tái định cư khi cuộc sống phố cổ từ lâu đã là nơi kinh doanh, buôn bán thuận lợi, là chỗ dựa kinh tế cho gia đình, song nay bị buộc phải giãn dân khỏi khu phố cổ, ông Khánh ở phố Lò Rèn lo lắng: "Nhà tôi ở cạnh Đình Rèn và đang ở mặt phố thì khi giãn dân, về nơi ở mới, tôi sẽ làm gì, có chỗ buôn bán tiếp không?”.

Không chỉ ông Khánh, nhiều người dân thuộc đối tượng giãn dân phố cổ giai đoạn 1 đang ăn ngủ không yên trước bài toán tìm kế sinh nhai ở khu tái định cư, vì tại nơi ở mới, điều kiện sinh sống khác hoàn toàn với khu vực phố cổ nhộn nhịp, đông đúc với mật độ dân số lên đến 823 người/ha.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Q.Hoàn Kiếm trăn trở: Đa phần những người dân sống tại phố cổ đều làm nghề buôn bán, bao gồm cả việc mưu sinh bằng bán hàng vặt, chính vì vậy họ mong muốn việc di dân, giãn dân phải có quy hoạch và tính đến cả lợi ích kinh tế của những người dân như họ. Chúng tôi lo lắng với dự án giãn dân lớn sẽ thực hiện trong năm nay, không biết TP Hà Nội nhìn nhận và giải quyết vấn đề này như thế nào?.

Giải đáp những thắc mắc, lo lắng trên của người dân, ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm khẳng định: Khu phố cổ của Hà Nội có nhiều phố nghề đặc trưng, phố nghề, do đó khi nghiên cứu Đề án Giãn dân phố cổ và các dự án thành phần, một trong các mục tiêu TP đề ra là đáp ứng công ăn việc làm hậu giãn dân, chứ không phải chỉ là nơi đơn thuần sống. Qua tư vấn của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, UBND quận đã thiết kế KĐTM giãn dân có tính đặc trưng khác biệt, đảm bảo không gian sống bền vững, hiện đại cho các hộ dân, có tầng 1, 2 liên kết với không gian các căn hộ phía trên và không gian ngầm phía dưới để phục vụ cho mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ. “Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang nơi ở mới, toàn bộ không gian tầng 1 được bố trí bán hàng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân. Trên cơ sở quy định của Nhà nước và Hà Nội, sẽ có thêm các giải pháp bổ sung để bảo đảm quyền lợi của người dân”, ông Tuấn cho biết thêm.

Thắc mắc của một số cử tri về việc các hộ kinh doanh tự do khi chuyển về KĐT Việt Hưng sẽ mưu sinh như thế nào, ông Lâm Quốc Hùng - Phó chủ tịch thường trực UBND Q.Hoàn Kiếm cho biết, nếu các hộ có hộ khẩu tại khu phố cổ đang kinh doanh trên địa bàn quận thì sẽ được xem xét bố trí khi sang nơi ở mới.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - đại diện Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, về việc bố trí kinh doanh dịch vụ, trước đây Sở cũng đã tính đến phương án lập lại việc kinh doanh phố nghề nhưng nếu chúng ta làm việc này ở một khu vực khác thì không mang tính khả thi. Vì vậy, khu giãn dân chỉ bố trí kinh doanh dịch vụ ở tầng 1 - 2.

Băn khoăn chất lượng công trình

Bên cạnh nỗi lo về sinh kế, môi trường sống cũng như các yếu tố phúc lợi xã hội, người dân còn lo lắng về chất lượng công trình ở khu giãn dân. Có thể nói, đây là băn khoăn có cơ sở của rất nhiều người dân thuộc diện giãn dân phố cổ, vì lâu nay chất lượng công trình nhà tái định cư luôn là một trong những trăn trở lớn nhất của những người tái định cư. Thực tế ở Thủ đô cũng đã có không ít dự án tái định cư để lại nỗi lo lớn về chất lượng, ví dụ như dự án tái định cư Đồng Tàu...

Ông Nguyễn Quang Huy, P.Lãn Ông băn khoăn: “Là một người dân của khu phố cổ, tôi rất quan tâm đến chất lượng nhà của khu giãn dân. Liệu chất lượng nhà của khu giãn dân có đảm bảo chất lượng không? Các khu giãn dân thường được xây dựng rất đơn giản, đa phần kiến trúc cũng không đẹp, giống như bao khu giãn dân khác khiến người dân nhận nhà mà không muốn ở?”.

Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc 2, Sở QH-KT Hà Nội cho biết: Quan điểm của Sở thì chất lượng khu đô thị bao hàm rất nhiều yếu tố, cả quy hoạch, triển khai, tiện ích KĐT… UBND Q.Hoàn Kiếm đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó khi lập dự án KĐT này, có sự tham gia của các chuyên gia Pháp. Ngoài yếu tố để nhân dân có điều kiện ở tốt hơn như yếu tố hạ tầng kỹ thuật, xã hội… thì không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng tại chỗ của khu dân cư và không gian công cộng, không gian giữa lõi các tòa nhà, sự liên thông giữa các tòa nhà… đã được tính toán đầy đủ.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm, TP Hà Nội và Q.Hoàn Kiếm cố gắng đảm bảo chất lượng công trình tại khu giãn dân tiệm cận nhà ở thương mại. Với 5.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án này, nhân dân có thể yên tâm về chất lượng xây dựng.

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng ban thường trực BQL phố cổ cho biết, việc di dời chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân di dời, nhất là với người già, trẻ em. Vì vậy, khi nghiên cứu lập thiết kế của khu nhà giãn dân, TP đã tính toán đến hạ tầng xã hội hiện trạng cũng như hiện trạng tổng thể của cả KĐT Việt Hưng. Hiện tại, các điều kiện về trường học các cấp ở toàn bộ KĐT Việt Hưng đều được thiết kế đầy đủ, đồng thời, trong khu nhà giãn dân cũng có khu vực trường mẫu giáo, trạm y tế… Ngoài ra, các hộ dân khi sang đây được bố trí diện tích tầng 1 để kinh doanh và việc kinh doanh của các hộ cũng sẽ thu hút các nhân khẩu khác trong gia đình cùng tham gia cung cấp dịch vụ, như vậy sẽ góp phần tạo ra việc làm ngay chính tại khu giãn dân mới. Đây là điểm khác biệt của dự án này so với các dự án khác đã triển khai. Đặc biệt, một thói quen của người dân phố cổ là sinh hoạt cộng đồng diễn ra trên không gian công cộng cũng được chú trọng. Để duy trì nếp sống này, trong mỗi khối nhà tại khu giãn dân đều được bố trí sân trong, tạo không gian xanh, không gian sinh hoạt văn hóa…

“Giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của TP Hà Nội. Theo Đề án, chúng ta sẽ phải di chuyển 6.500 hộ dân với 26.000 nhân khẩu, trong đó giai đoạn 1 di chuyển 1.500 hộ dân. Giai đoạn 1, quận sẽ tiếp tục đề xuất TP bố trí 30ha để di dời khoảng 5.000 hộ dân còn lại, đạt mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha đến năm 2020. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020”.

Ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24