Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm xung quanh chương trình này.
Cần đa dạng về vị trí, điều kiện, diện tích
- Thưa ông, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất được dư luận mong đợi. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, nếu không có sự sàng lọc cẩn thận, nhà ở xã hội lại phát triển theo phong trào, dẫn đến dư thừa như nhà ở cao cấp. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chương trình phát triển nhà ở để triển khai theo kế hoạch. Trong Chương trình phát triển nhà ở có nội dung phát triển các loại nhà ở, xã hội cho người nghèo, nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân... Trước đó, Chương trình 06-CTr/TU ngày 8-11-2011 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 cũng xác định mục tiêu xây mới 12,5 đến 15 triệu mét vuông nhà ở; đưa diện tích nhà ở bình quân đạt 23-24m2/người. Trong đó, phát triển 15.500 căn hộ cho người thu nhập thấp, tương đương 1,1-1,5 triệu mét vuông; 41.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên, 28.750 nhà ở cho công nhân, tương đương 1,6 triệu mét vuông. Theo tính toán, trên cơ sở các dự án và nhu cầu thì Hà Nội vẫn thiếu nhà ở xã hội. Vì thế, khó có thể có sự dư thừa.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Y Linh
- Cụ thể, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội là bao nhiêu, thưa ông?
- Đến nay, Hà Nội đã có 6 dự án nhà xã hội, nhà cho người thu nhập thấp hoàn thành, ký hợp đồng mua bán, với tổng số 3.141 căn hộ. 8 dự án đã được thành phố chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư, tương ứng 12.290 căn hộ, trong số đó 6 dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2015, với 5.566 căn hộ. Bên cạnh đó, còn có 12 dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Thành phố đã chấp thuận về chủ trương cho 5 dự án với khoảng 5.085 căn hộ. Trong đó, 4 dự án có đất sạch, đủ điều kiện khởi công trong năm 2013, hoàn thành trong năm 2015 với 3.589 căn hộ. Như vậy, tổng số dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nếu tập trung đầu tư khẩn trương thì có thể hoàn thành trong năm 2015 khoảng 12.296 căn hộ. So sánh với chỉ tiêu phát triển nhà thu nhập thấp đến năm 2015, còn thiếu hơn 3.000 căn hộ và Hà Nội vẫn phải tiếp tục xem xét đề xuất để hoàn thành chỉ tiêu và chuẩn bị dự án gối đầu cho kế hoạch giai đoạn 2015-2020.
- Vừa rồi, Hà Nội có một số dự án nhà xã hội lớn được động thổ nhưng có dự án ở tận huyện Quốc Oai như của CEO hay Gia Lâm như của Viglacera. Các dự án này có khả thi không khi xa trung tâm như vậy?
- Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, có 8 nhóm đối tượng cần được hỗ trợ về nhà ở gồm: Người có công với cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân các khu công nghiệp; sinh viên, học sinh; đối tượng chính sách xã hội như người tàn tật, người già cô đơn… Số liệu điều tra ban đầu của Sở Xây dựng, qua 118 đơn vị trung ương và địa phương, đã có 197.212 người đăng ký có nhu cầu về nhà ở. Với nhu cầu lớn như vậy nên việc phát triển nhà ở cũng cần đa dạng về vị trí, điều kiện, diện tích. Nhà ở phải phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau mới góp phần cải thiện điều kiện ở, đồng thời gắn với thực hiện quy hoạch, phân bố lại dân cư, tạo điều kiện cho người có nhu cầu lựa chọn vị trí phù hợp nhu cầu sinh hoạt, làm việc, học tập.
- Cũng tại Khu đô thị Đặng Xá - Gia Lâm, Viglacera có dự án nhà cho người thu nhập thấp, giá bán được coi thấp nhất trong các dự án cùng loại, tuy nhiên việc bán nhà rất chậm. Lý do là gì, có phải vị trí dự án không hấp dẫn? Liệu dự án nhà ở xã hội sắp tới có rơi vào tình cảnh này?
- Hiện nay, thế giới đang khủng hoảng kinh tế, nước ta cũng vậy. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bất động sản rơi vào trạng thái “đóng băng”, không chỉ riêng đối với các dự án nhà ở thương mại mà các dự án nhà ở thu nhập thấp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề nữa là trước đây chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho người mua nhà. Tuy nhiên, với những dự án nhà ở xã hội sắp tới, tình trạng này sẽ được cải thiện nhờ tác động của Chính phủ như gói kích cầu cho vay mua nhà ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Việc giảm lãi suất ngân hàng cũng góp phần quan trọng giảm giá thành xây dựng.
- Theo ông, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ phát huy hiệu quả như thế nào? Và Hà Nội có bao nhiêu dự án nhà ở xã hội có thể thụ hưởng chính sách này?
- Việc Chính phủ đưa ra gói 30.000 tỷ đồng cho vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ là một chỉ đạo lớn, kịp thời và sẽ phát huy tốt hiệu quả đối với việc phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, gói tín dụng này nhằm tạo điều kiện cho cả người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và cả các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội được tiếp cận vốn ưu đãi. Đây là điều mà trước đây khi triển khai nhà thu nhập thấp chúng ta chưa làm được. Như mục tiêu, các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại chuyển công năng sang nhà xã hội và đặc biệt là người mua nhà đều được thụ hưởng gói tín dụng ưu đãi này. Vừa rồi, Bộ Xây dựng đã gửi danh sách 30 dự án đợt đầu để Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn. UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội triển khai việc cho vay hỗ trợ nhà ở trên địa bàn Thủ đô với 2 nhóm đối tượng là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
- Dư luận phản ánh việc tiếp cận gói tín dụng lãi suất thấp này không đơn giản, nhất là với người dân. Thực tế, chương trình nhà thu nhập thấp trước đó, mặc dù có cơ chế vay ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay thương mại lãi suất cao...
- Căn cứ thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, Sở Xây dựng đã làm việc với các cơ quan liên quan. Để Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ thực sự có hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp và người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ, liên ngành đã trình UBND thành phố, kiến nghị Chính phủ cho phép người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua nhà trước ngày 7-1-2013 được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; đồng thời, đề nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành đơn giản thủ tục hành chính, giúp đỡ các doanh nghiệp hoàn tất những thủ tục đầu tư theo quy định trong thời gian nhanh nhất và ưu tiên những dự án đã được thành phố chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, dự án phát triển nhà ở xã hội đã có đất sạch. Theo tôi, chương trình phát triển nhà ở xã hội là chương trình lâu dài; gói tín dụng cũng triển khai trong nhiều năm chứ không phải ngày một, ngày hai. Trước hết, cần phải có sản phẩm để người dân có thể tiếp cận.
Tháo gỡ những bất cập, tồn tại
- Ngoài nhà ở xã hội, Hà Nội có chủ trương mua lại nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ, nhà tái định cư. Đây có phải là cách để giải cứu các “đại gia” bất động sản như dư luận nêu?
- Gọi là giải cứu thì không chính xác. Việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở công vụ và tái định cư được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội cũng là động thái cơ cấu lại thị trường, vì như đã biết thị trường đang dư thừa nhà ở cao cấp diện tích lớn, trong khi thiếu nhà ở có diện tích vừa phải, giá thành phù hợp với đa số người dân. Đây là một trong những giải pháp tích cực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển sau một thời gian trầm lắng.
- Thưa ông, thị trường bất động sản “đóng băng” một phần do bất cập từ chính nội tại thị trường, chẳng hạn như sự phát triển quá mức của loại nhà ở thương mại cao cấp. Vậy Hà Nội đã rút ra được bài học gì, kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội thời gian tới như thế nào?
- Theo tôi, tại Hà Nội, thời gian qua các dự án xây dựng nhà ở có mục đích thương mại phát triển khá nhiều, trong đó nhà chung cư chiếm tỷ lệ tương đối lớn, để bắt kịp tốc độ phát triển chung của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái, chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt, thị trường đã bộc lộ một số hạn chế. Hầu hết dự án rơi vào tình trạng “đóng băng”, tồn đọng quỹ nhà. Do vậy, trong Chương trình phát triển nhà của thành phố mục tiêu đến năm 2015 là tạm dừng, chưa xem xét đề xuất một số dự án nhà ở thương mại ở một số khu vực; thực hiện rà soát, phân loại dự án theo nhóm tạm dừng, cần phải điều chỉnh hoặc được triển khai.
- Còn một vấn đề nữa, không kém phần quan trọng, là các khu đô thị mới rất thiếu cơ sở hạ tầng xã hội do chủ đầu tư chỉ quan tâm làm nhà để bán trước, dẫn đến những khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
- Đúng là vấn đề này gây ra nhiều bất cập trong sinh hoạt của người dân khi về sinh sống tại các khu đô thị mới. Nguyên nhân chính là trước đây việc cấp phép đầu tư các dự án chưa quy định cụ thể tiến độ đầu tư hạ tầng xã hội; chưa có cơ quan làm đầu mối giúp UBND TP theo dõi dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Và đặc biệt là chủ đầu tư chưa quan tâm đến công trình hạ tầng xã hội mà chủ yếu ưu tiên xây dựng nhà ở để thu hồi vốn, thậm chí không chấp hành quy định đầu tư xây dựng đồng bộ dự án. Việc này, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, giao việc cho từng cơ quan chức năng để khắc phục.
- Không chỉ có vậy, hầu hết khu đô thị mới phát triển đều thiếu sự kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội với khu vực…
- Cùng với việc khắc phục bất cập của thị trường bất động sản, Hà Nội cũng đã chỉ đạo xử lý vấn đề này. Cụ thể, UBND TP đã xem xét các khu vực phát triển đô thị để xác định dự án, thứ tự đầu tư, tiến độ triển khai, bảo đảm đồng bộ hạ tầng khung, hạ tầng xã hội thiết yếu.
- Cụ thể, trách nhiệm “kết nối” các khu đô thị thuộc về ai, chủ đầu tư có vai trò thế nào, thưa ông?
- UBND TP tổ chức thực hiện quản lý đầu tư, giám sát quá trình triển khai theo quy hoạch - kế hoạch, trong đó có bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung. Còn chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng và hệ thống này phải bảo đảm kết nối với hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp tiến độ dự án được duyệt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý phát triển đô thị trên địa bàn, tổ chức phối hợp xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, bảo đảm liên kết với hạ tầng kỹ thuật khung của khu vực và thành phố.
- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: