Trong sự phát triển nhanh và mạnh của Hà Nội hôm nay, dường như vẫn còn thiếu vắng đây đó những không gian văn hóa, không gian công cộng để người dân và khách thập phương đến thưởng ngoạn. Buồn thay, số lượng các không gian này đang ngày một gia tăng khoảng cách, tỷ lệ nghịch với số các khu đô thị mới, những cao ốc văn phòng chọc trời mọc lên ngày càng nhiều.
Một trong những nguyên nhân diễn ra tình trạng tắc đường của Thủ đô hiện nay là dồn quá nhiều nhà cao tầng vào vùng lõi. Mật độ xây dựng cao, trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội còn quá ít, mới đạt 8% quỹ đất đô thị (trong khi tiêu chuẩn là 40%), thế nên không có gì lạ khi tắc đường trở thành thảm cảnh của người dân Thủ đô.
Thêm nữa, các phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại. Vì thế, tình trạng giao thông thiếu và quá tải sẽ gây khó khăn lớn cho việc xây dựng một thành phố có thể bảo đảm những điều kiện sống tốt cho người dân.
Các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng chuyện ùn tắc giao thông của Hà Nội từ lâu đã được coi như “chuyện đã rồi”. Cơ quan quản lý đã tìm nhiều phương án để giảm bớt ùn tắc nhưng không thành công bởi cái gốc của vấn đề không phải là mở rộng không gian giao thông, mà là giảm bớt lưu lượng lưu thông trên đường phố.
Các khu đô thị mới phải là các khu đô thị đa chức năng, bao gồm cả văn phòng, trung tâm mua sắm, trường học, bệnh viện. Vì theo các chuyên gia, phải có những khu đô thị mới đa chức năng thì mới giảm được lưu lượng lưu thông trên đường. Hơn nữa việc tổ chức không gian giao thông hợp lý cũng chính là cách sử dụng hiệu quả không gian công cộng đô thị. Sự kém phát triển giao thông công cộng cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sử dụng không hiệu quả không gian công cộng đô thị.
Thực tế cho thấy, một thời gian dài các đô thị chỉ tập trung vào phục vụ thương mại mà không hướng tới việc xây dựng một thành phố đa chức năng thân thiện với cuộc sống con người.
Để có một thành phố có chất lượng sống tốt, các đô thị hiện đại cần phải có các không gian công cộng như công viên, đường phố, đường dành riêng cho người đi bộ trong các khu thương mại, các trung tâm biểu diễn văn hóa, triển lãm nghệ thuật, khu liên hiệp thể thao... Tuy nhiên, tình trạng của các không gian công cộng ở Thủ đô Hà Nội hiện nay lại cho thấy là chúng không chỉ thiếu, mà còn bị lấn át bởi các công trình dịch vụ mang tính kinh tế hay thương mại.
Theo các con số thống kê, hiện nay Hà Nội chỉ còn 0,3% lãnh thổ dành cho các công viên trong thành phố, hay bình quân chưa đạt mức 1m²/đầu người dân đô thị. Trong khi chỉ số bình quân diện tích công viên trên người của Thủ đô Băng-Cốc (Thái Lan) là gần gấp đôi - 1,8m²/người.
Trên toàn lãnh thổ thành phố mở rộng cũng chỉ có khoảng 60 công viên. Nếu tính bình quân diện tích công viên trên người ở 4 quận trung tâm là 1,5m² thì khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05m²/người.
Sự phân bố không đều không gian công viên này khiến cho một nửa số người dân đô thị Hà Nội, nhất là thanh thiếu niên và người già không thể đến công viên bằng cách đi bộ, nên không thể sử dụng chúng một cách dễ dàng và thường xuyên.
Chính quyền TP Hà Nội cũng đã quan tâm đến việc quy hoạch không gian công cộng cho thành phố, phấn đấu vượt đạt 16m2 diện tích đất công viên/người vào năm 2020. Tuy nhiên, những diễn biến trong quy hoạch và thực thi quy hoạch cho thấy mục tiêu này rất khó đạt tới. Những cải thiện về quy mô và chất lượng không gian công cộng đô thị dường như còn rất ít.
Trên thực tế, các khu công viên cũ đang bị thu hẹp, các vườn hoa và không gian công cộng trong các khu chung cư cũ cũng bị lấn chiếm hết. Ngay cả các cảnh quan thiên nhiên có một không hai của Thủ đô là các hồ nước, những di tích lịch sử và văn hóa cũng có nguy cơ bị lấn chiếm. Trong khi đó, các ý tưởng và giải pháp cho vấn đề cải thiện thì vẫn đang... trên giấy.