Nhận định chất lượng tín dụng ngành ngân hàng Việt Nam đang được cải thiện, nhưng ông Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao Bộ phận Xếp hạng tài chính công quốc tế và hệ số tín dụng quốc gia của S&P cho rằng, nếu không ghìm cương nhằm đưa tăng trưởng tín dụng chậm lại, hệ thống có thể gặp những rủi ro lớn.
Ông có nhận định như thế nào về chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng, chất lượng tín dụng ngành ngân hàng Việt Nam đang được cải thiện. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng tín dụng tiếp tục giữ mức cao như 2 năm vừa qua, thì rủi ro sẽ tăng theo. Hiện tại, tăng trưởng huy động và cho vay gần ở mức cân bằng, nếu tín dụng vẫn tăng nhanh như thời gian vừa qua, diễn biến tiếp theo là huy động không thể theo kịp và kéo lãi suất tăng lên.
Từ đó nảy sinh vấn đề là sẽ có nhiều người đi vay với gánh nặng lãi suất cao, khiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, tại một thời điểm nhất định, tín dụng cần phải được ghìm cương nhằm tăng trưởng chậm lại, đặc biệt khi lãi suất có tín hiệu đi lên như chúng ta đang thấy.
Theo ông, đâu là lý do chính khiến mức xếp hạng tín dụng của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác?
Thu nhập vẫn là điểm yếu của Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực và việc tăng trưởng mạnh hơn chỉ bù đắp phần nào cho thu nhập thấp hơn. Bên cạnh đó, nợ chính phủ ở mức cao và đang tăng nhanh cũng tác động lớn đối với tiết kiệm. Hiện tại, cho vay qua hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, dù thu nhập của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, cụ thể là tỷ lệ tín dụng cấp cho các đối tượng ngoài Chính phủ cao.
Lịch sử lạm phát cao và thiếu ổn định là một điểm yếu khác của Việt Nam, đồng thời là một trong những thách thức lớn đối với Chính phủ, trong bối cảnh thế giới vừa trải qua nhiều cú sốc bất ngờ về địa chính trị, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới các nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm ở mức trung bình do thâm hụt tài khoản vãng lai trong quá khứ và mới chỉ bù đắp một phần nhỏ.
Điều kiện nào giúp chất lượng tín dụng ở Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn?
Chất lượng tín dụng có thể được cải thiện nếu bảng cân đối tài sản của Chính phủ được điều chỉnh đáng kể, giúp cho nợ ròng giảm xuống dưới 30% GDP. Đồng thời, mặt bằng nợ nước ngoài không được xấu đi so với mức hiện tại.
Ông Kim Eng Tan
Theo tôi, những diễn biến trên chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh; tình hình ngân sách của Chính phủ được củng cố đáng kể; tính ổn định của hệ thống ngân hàng cải thiện và rủi ro pháp lý đối với Chính phủ cũng như mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế từ ngân hàng được giảm thiểu.
Vậy đâu là thách thức chính đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng?
Hạ tầng vẫn là một trở ngại lớn đối với phát triển tại Việt Nam, vì thế tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đồng nghĩa với phải đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp đã ở mức tương đối cao, việc gia tăng đầu tư có thể tạo áp lực lên sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cho các công cụ tài trợ vốn thay thế như hình thức hợp tác công - tư vẫn còn trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng, trong khi thu hút vốn nước ngoài sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nợ nước ngoài.
Ngoài ra, môi trường chính sách tại Việt Nam tương đối khó dự đoán, cộng thêm thị trường vốn quy mô nhỏ đồng nghĩa với việc dòng vốn đổ vào chủ yếu dưới hình thức vay ngắn hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong trường hợp xấu, chất lượng tín dụng có thể suy yếu nếu các ngân hàng của Việt Nam giảm sức mạnh hoặc nợ chính phủ tăng đáng kể do nới lỏng tài chính, hay phải hỗ trợ cho các ngân hàng nội địa.
Đâu là các vấn đề chính sách dài hạn có thể ảnh hưởng tới môi trường tài trợ vốn và tác động đến hoạt động tín dụng tại Việt Nam, theo ông?
Khả năng các nhà làm chính sách có thể thúc đẩy sự cân bằng hợp lý trong những vấn đề sau đây sẽ quyết định hình thái và tính bền vững của phát triển kinh tế.
Thứ nhất, quan điểm đối với thị trường trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, sự tham gia của nước ngoài vào các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế.
Thứ ba, sự mất cân bằng thu nhập có khả năng trở nên xấu hơn.
Thứ tư, những quan điểm về sự ổn định chính sách và dự báo các thế mạnh cũng là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao chất lượng tín dụng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất ổn chính trị tại các quốc gia đang phát triển mới nổi khác trong khu vực đang giúp Việt Nam được hưởng lợi do bối cảnh chính trị ổn định. Đây là yếu tố chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài.