Gần 100 hộ dân đang sinh sống tại dự án "làng công nhân" hơn 18 năm qua chưa được nhận sổ đỏ. Ảnh: N.H
Chấp nhận chịu phạt để được xây nhà… trái phép
Nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, lâu nay Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu Làng Sơn (P.Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả) vẫn được người dân địa phương quen gọi là "làng công nhân". Bởi lẽ, khu đô thị này được góp vốn bởi 80 cán bộ, công nhân cùng chủ đầu tư là Công ty CP Than Cao Sơn, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Điều đáng nói, dự án được triển khai từ 18 năm trước nhưng đến nay chưa được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, 80 nhà đầu tư thứ cấp là cán bộ, công nhân của Công ty CP Than Cao Sơn đến nay cũng chưa được nhận sổ đỏ.
Nhiều biệt thự hoành tráng được xây nhưng lại không có giấy phép. Ảnh: N.H
Gần 2 thập kỷ, thủ tục pháp lý của dự án vẫn chưa hoàn thành, trong khi nhu cầu về nhà ở của cán bộ, công nhân lại rất bức thiết khiến nhiều người đánh liều xây nhà trái phép tại dự án để có chỗ ở.
Điển hình như gia đình bà Bùi Thị Trà (khu Cao Sơn 1, P.Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả) đang phải sống trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 40 m2 đã xuống cấp. Hồi năm 2013, bà Trà góp vốn mua mảnh đất tại “làng công nhân” với mong muốn có chỗ ở khang trang hơn. Thế nhưng, tiền thì đã nộp đủ nhưng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư dự án hoàn thiện sổ đỏ.
“Nhiều năm qua gia đình muốn sang nhượng, vay vốn ngân hàng để con cháu làm ăn nhưng không có sổ đỏ. Tôi đã có tuổi, có ý định làm thừa kế mảnh đất đã mua tại làng công nhân cho các con theo đúng quy định của pháp luật nhưng không được. Chúng tôi đã kiến nghị tới nhiều cấp chính quyền gần 10 năm qua nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết”, bà Trà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn C. (50 tuổi, cán bộ Công ty CP Than Cao Sơn) chia sẻ, dự án ở vị trí khá thuận tiện, gần cơ quan, trục đường giao thông chính. Gia đình ông C. góp vốn mua mảnh đất với hy vọng “an cư lạc nghiệp”. Nhưng khi làm mọi thủ tục về đất đai đều không được chính quyền chấp thuận.
“Cách đây vài năm tôi đánh liều xây căn nhà 2 tầng tại làng công nhân nhưng bị xử phạt vì xây dựng trái phép. Biết là sai nhưng nhu cầu về nhà ở của gia đình là rất cần, giờ trên chính mảnh đất mình mua mà cứ lo lắng vì cảnh sống “chui”, ông C. cho biết.
Theo ghi nhận của Thanh Niên tại "làng công nhân", hàng chục ngôi nhà tại đây là được xây trái phép. Thế nhưng, nhiều người dân cho biết họ phải chạy vạy khắp nơi để triển khai thi công và chịu nộp phạt gần 100 triệu đồng mỗi căn.
Ông Nguyễn Văn Huế, Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Sơn (TP.Cẩm Phả), cho biết thời gian qua đơn vị nhận được nhiều kiến nghị của người dân về nhu cầu xây nhà tại “làng công nhân”. Nhiều hộ dân bất chấp quy định của luật Xây dựng để làm nhà trái phép và chấp nhận nộp phạt.
“Chúng tôi đã rà soát, kiểm tra và dừng thi công đối với các công trình. Tuy nhiên, nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ rất khó khăn cho công tác xử lý của chính quyền địa phương”, ông Huế cho biết.
4 đời giám đốc không xong thủ tục dự án
Khi nhắc đến “làng công nhân”, ông Phạm Bá Cường, Bí thư chi bộ, Trưởng khu Cao Sơn 1, P.Cẩm Sơn, cho biết dự án đến nay đã trải qua 4 đời giám đốc của Công ty CP Than Cao Sơn, nhưng thủ tục về sổ đỏ của dự án vẫn chưa hoàn thành.
“Nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm cấp sổ đỏ cho người dân đã góp vốn để họ không còn chịu cảnh xây trái phép, sống “chui” như hiện nay”, ông Cường nói.
Theo Công ty CP Than Cao Sơn, dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu Làng Sơn do Công ty CP Than Cao Sơn làm chủ đầu tư có tổng diện tích quy hoạch 124.244 m2. Dự án được triển khai từ năm 2003, bằng nguồn đóng góp của 80 hộ cán bộ, công nhân viên và các nguồn huy động khác của Công ty CP Than Cao Sơn.
Sau gần 18 năm triển khai, chủ đầu tư mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng, gồm đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và bàn giao dự án cho TP.Cẩm Phả, từ tháng 4.2021.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn, cho biết mục đích của đơn vị khi triển khai dự án nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, công nhân có nơi ở mới rộng rãi hơn, thay vì cảnh phải ở tập thể hay đi thuê nhà. Tuy nhiên, do đơn vị không có chức năng kinh doanh bất động sản và hạ tầng, nên chưa thể cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng của dự án.
“Kiến nghị của người dân là hoàn toàn chính đáng nhưng hiện nay bản thân doanh nghiệp và chính quyền địa phương vẫn chưa thể tìm ra phương án giải quyết đến cùng sự việc. Dự án chưa biết đến khi nào mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có được sổ đỏ”, ông Sinh nói.
Nhiều hộ dân đánh liều xây nhà không phép và chấp nhận nộp phạt để có chỗ ở. Ảnh: N.H
Cũng theo Công ty Than Cao Sơn, sau nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, 2 phương án được đưa ra để tháo gỡ nhưng đều bế tắc. Đó là, Công ty Than Cao Sơn được bổ sung ngành nghề kinh doanh hạ tầng - bất động sản; hoặc trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có đơn vị nào có chức năng này thì chuyển giao cho đơn vị đó thực hiện. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên đều không thực hiện được.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP.Cẩm Phả cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao địa phương này xử lý vướng mắc của dự án trên. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có phương án cụ thể bởi chủ đầu tư dự án là Công ty Than Cao Sơn không có chức năng, ngành nghề kinh doanh hạ tầng - bất động sản.
Vậy là sau 18 năm, chủ đầu tư loay hoay thực hiện dự án vẫn chưa xong còn người dân vẫn phải mòn mỏi chờ mà chưa biết đến khi nào mới cầm được sổ đỏ. Trong khi đó, để “an cư lạc nghiệp”, người dân đánh liều xây nhà trái phép gây nhiều hệ lụy phức tạp về xã hội, còn nhà nước thì đang bị thất thu thuế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: