Là quốc gia phát triển đô thị gần như sớm nhất tại Châu Á, đã trải qua những thất bại để có được diện mạo đô thị hiện đại, các chuyên gia của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản có thừa kinh nghiệm để chia sẻ, tham vấn và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Thực ra những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa cũng giống như nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á đã từng trải qua, trong đó có Nhật Bản, một đảo quốc đất đai khan hiếm, dân cư đông đúc thuộc loại đứng đầu Châu Á.
Không phải ngẫu nhiên, Nhật Bản gộp ba lĩnh vực quan trọng nhất là đất đai, hạ tầng, giao thông vào trong một bộ quản lý. Xếp theo thứ tự ưu tiên và quyết định thì đất đai ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là hạ tầng rồi đến giao thông và cuối cùng mới đến du lịch. Rõ ràng, với tầm nhìn chiến lược không chỉ hàng chục năm mà xuyên suốt thể kỷ, Nhật Bản đã nhìn thấy trước tương lai đất nước sẽ phát triển công nghiệp hiện đại cùng với quá trình đô thị hóa là tất yếu, vì thế đất đai được đặt lên hàng đầu, ngay sau đó phải là hạ tầng rồi đến giao thông. Lĩnh vực du lịch dường như chỉ “ăn theo”, được hưởng thụ những thành quả của ba lĩnh vực trên.
Vụ trưởng Vụ Cơ sở hạ tầng kinh tế, Phát triển đô thị và Vùng của Nhật Bản bày tỏ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật cả những thành tựu cũng như thất bại trong lĩnh vực phát triển đô thị. Đương nhiên mỗi nước có một đặc điểm, điều kiện riêng không giống nhau, cho nên khó có thể áp dụng một mô hình chung. Việt Nam có Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giao thông vận tải… mỗi bộ có trách nhiệm quản lý, điều hành từng lĩnh vực riêng, thế nhưng khi xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng hoặc thực hiện những dự án, công trình giao thông như mở đường vành đai, đường cao tốc, xây dựng cầu, cảng hay sân bay… tất cả đều động chạm mạnh tới đất đai (đền bù, giải phóng mặt bằng) và đều vướng mắc, chồng chéo. Nếu không giải quyết xong vấn đề đất đai thì đừng nói tới chuyện phát triển cơ sở hạ tầng, mở mang và hiện đại hóa mạnh lưới giao thông.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, khi công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển mạnh mẽ thì vấn đề đất đai, cơ sở hạ tầng kết nối trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông nói riêng và hệ thống cơ sở hạ tầng nói riêng phải đi trước một bước. Bài học thất bại của Nhật Bản hơn 40 năm trước là bắt chước Mỹ quy hoạch, xây dựng đô thị trong đó việc di chuyển của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào ô tô. Trong khi đó hiện nay đường sá ở Hà Nội, TP.HCM cũng như các thành phố lớn không thể mở rộng thêm cũng không thể cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu là xây dựng các đô thị vệ tinh bám quanh đô thị lõi để phân tán chức năng, dân cư cũng như lượng phương tiện giao thông, giảm sức ép lên hạ tầng hiện hữu của đô thị trung tâm.
Bài toán đô thị hóa đã được nhiều quốc gia, khu vực giải quyết khá hiệu quả. Kinh nghiệm của những người đi trước không thiếu. Quan trọng là các nhà quản lý đô thị nước ta học hỏi và vận dụng như thế nào, chứ không chỉ loay hoay, lúng túng với những giải pháp tình thế vừa manh mún, vừa lãng phí, lại kém hiệu quả.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: