Hải Phòng cấp phép cho dự án sản xuất lốp Bridgestone, một dự án lớn trong năm 2012. Ảnh TL. |
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, quy trình này sẽ được Chính phủ ban hành trong một nghị quyết về thu hút vốn FDI trong thời gian tới nhằm khắc phục việc cấp phép các dự án FDI tràn lan phá vỡ quy hoạch, như là hệ quả của việc phân cấp triệt để quyền cấp phép dự án FDI cho các địa phương từ năm 2006.
“Việc cấp phép cho các dự án FD lớn, những dự án lan tỏa toàn quốc cũng phân cấp hết… Nhưng (quy trình phân cấp này) nay phải có đánh giá của cấp Chính phủ, và các cơ quan trung ương”, ông Vinh nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng bổ sung thêm, Chính phủ đã bật đèn xanh với đề xuất này sau khi bộ gửi một báo cáo về những vấn đề khi phân cấp cấp phép FDI.
Ông Hoàng nói: “Phân cấp, phân quyền là một trong những nguyên nhân làm phát sinh những dự án FDI không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường”.
Cục trưởng bổ sung thêm: “Những dự án lớn, có tính lan tỏa cao phải có quy trình thẩm tra lấy ý kiến chặt chẽ hơn ở cấp trung ương”. Tuy nhiên, ông Hoàng khẳng định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không cấp phép”.
Động thái trên cho thấy, Chính phủ sẽ cẩn trọng hơn với những dự án FDI lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng gây ô nhiễm môi trường bị chỉ trích nhiều trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Chính phủ đồng thời muốn duy trì cơ chế cấp phép cho chính quyền các địa phương vốn đã trở nên rất năng động và linh hoạt trong việc thu hút luồng vốn rất quan trọng này cho Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ nhận thức sâu sắc về sự cạnh tranh luồng vốn FDI hiện tại trong bối cảnh luồng vốn này đang suy giảm trên quy mô toàn cầu do kinh tế thế giới suy giảm.
“Trong khi đó, nhu cầu lại tăng lên nên có làn sóng cạnh tranh vốn FDI khốc liệt, kể cả Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia”.
Liên quan đến nhiều dự án FDI khai lỗ liên tục trong thời gian qua, dù không ngừng mở rộng quy mô, ông Hoàng nói: “Họ lỗ thì chúng ta có rút phép không? Chúng tôi đã đặt ra từ trước. Song trong bối cảnh khó khăn chung, thì lỗ dễ xảy ra. Nếu doanh nghiệp lỗ là rút giấy phép thì khó thu hút FDI”
Ông cũng kêu gọi chính quyền địa phương cần tiếp cận các doanh nghiệp này để tìm nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012 cả nước có 1.100 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỉ đô la Mỹ, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn thực hiện cũng đạt 10,46 tỉ đô la Mỹ, bằng 95,1% năm 2011.
Bộ này dự kiến vốn FDI đăng ký trong năm 2013 sẽ đạt 13-14 tỉ đô la Mỹ và vốn thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỉ đô la Mỹ, tương đương năm 2012.
Đến nay có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 213,6 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký.
Liên quan đến dự án théo trị giá 5 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn Tata (Ấn Độ) đầu tư vào Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận Chính phủ đang gặp khó và dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án này cần tới 400 ha đất, và chính quyền Hà Tĩnh phải chi tới 300 triệu đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng. “Chính phủ Việt Nam cam kết giao đất sạch cho nhà đầu tư, tuy nhiên, đây là số tiền quá lớn, nhất là trong thời điểm này”. Ông cho biết, về phần mình Tata chỉ có thể bỏ ra 50-100 trệu đô la Mỹ cho địa phương “vay”. Trong khi đó, phía Việt Nam muốn Tata ứng trước 300 triệu đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng, rồi trừ vào thuế sau nhưng họ không chịu. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: