Trong 60 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý, có 49 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính (Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ đạt 15% doanh thu thực tế). Ảnh: Đình Quang
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được Quốc hội thông qua tháng 6/2020, trong đó có quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu. Vấn đề đặt ra là các dự án BOT giao thông đã triển khai đang rơi vào tình trạng sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính trong hợp đồng có được áp dụng cơ chế mới của Luật PPP?
Thay đổi chủ trương đầu tư mới được bảo lãnh doanh thu
Bộ KH&ĐT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Vấn đề được các chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng quan tâm là các dự án BOT giao thông đã triển khai trước thời điểm Luật PPP có được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; Cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước; Quy định về chấm dứt hợp đồng được thực hiện thế nào,…
Ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại Điều 82, Luật PPP quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí trong Luật PPP, chỉ có các dự án đầu tư sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực mới được áp dụng. Trong khi, cả nước đang có tới 49 dự án BOT giao thông đang bị hụt thu, Luật PPP lại không đề cập đến.
“Khi xây dựng Nghị định triển khai Luật PPP, cơ quan chức năng cần có quy định hướng dẫn chi tiết đối với các dự án đầu tư đang khai thác có doanh thu tăng hoặc sụt giảm để đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư”, ông Chinh nói.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng chỉ ra bất cập khác là quy định về đăng ký vốn điều lệ và góp vốn chủ sở hữu.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật PPP, thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án sẽ chỉ xác định được tổng số vốn góp của chủ sở hữu là 15% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 77, Luật PPP lại cho phép nhà đầu tư được góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ thỏa thuận tại hợp đồng.
Ông Chinh cho rằng, việc áp dụng thực hiện các quy định này sẽ dẫn tới vướng mắc với quy định tại Điều 112, Luật Doanh nghiệp: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
“Nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đăng ký góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án thì không đảm bảo điều kiện cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp, doanh nghiệp dự án đăng ký góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày nhưng số vốn này chưa sử dụng đến sẽ làm lãng phí, giảm nguồn lực của nhà đầu tư. Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung hướng dẫn chi tiết về việc xác định vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án”, ông Chinh nói.
Liên quan đến vần đề này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, quy định về tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu trong các dự án PPP đã được Bộ KH&ĐT xem xét, thảo luận nhiều lần trong các cuộc họp trước đây.
“Đến nay, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu đã được xử lý trong Luật PPP”, bà Lê nói và cho biết, đối với các dự án PPP triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, nếu muốn được chia sẻ rủi ro về doanh thu thì phải thay đổi chủ trương đầu tư của dự án.
Chấm dứt hợp đồng phải tuân theo Luật Dân sự
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Quốc gia dự án USAID LEAP III tại Việt Nam cho rằng, cơ chế ưu đãi nhà đầu tư trong giai đoạn đấu thầu cần được cơ quan chức năng làm rõ trong các nghị định hướng dẫn.
Cụ thể, trong dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư, tại Điều 4 quy định: Nhà đầu tư cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước có giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư quốc tế sẽ được hưởng mức ưu đãi 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu;
Hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước nhà đầu tư cam kết sử dụng được hưởng ưu đãi khi nhà đầu tư chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm từ 75% trở lên trong giá hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị.
Ông Quang cho rằng, tại thời điểm đấu thầu, chủ đầu tư rất khó đưa ra bằng chứng 75% chi phí sản xuất sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Bởi, ở giai đoạn đấu thầu, chủ đầu tư chưa thể xác định được nhà cung cấp.
“Tôi cho rằng, cơ chế này khó thực hiện trên thực tế. Giải pháp nào nếu nhà đầu tư tư nhân có lý do chính đáng để giải thích cho việc không sử dụng hàng hóa trong nước?”, ông Quang băn khoăn.
Trong khi đó, ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, tại Điều 52, Luật PPP nêu rõ, việc chấm dứt hợp đồng khi một trong các bên trong hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP lại đưa ra quy định cụ thể về việc nhà đầu tư bị chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: Chậm hoàn thành các mốc thời gian trong gian đoạn xây dựng; Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi không có sự chấp thuận của cơ quan ký kết hợp đồng…
“Nếu chúng ta đưa ra các quy định cụ thể như vậy sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, bởi các tiêu chí trong dự thảo nghị định đưa ra đều là những vấn đề rất nhỏ. Việc xác định mức độ vi phạm nghiêm trọng của các bên trong hợp đồng cần phải căn cứ theo quy định của Luật Dân sự và phải dựa vào quyết định phán xét của tòa án khi có tranh chấp xảy ra”, ông Huệ nói.
Sớm hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫnTiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư tại cuộc tọa đàm: “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP” mới đây, bà Vũ Quỳnh Lê cho biết, Bộ KH&ĐT và cơ quan liên quan sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn chung và dự thảo Nghị định hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Được biết, Luật PPP được Quốc hội ban hành ngày 18/6/2020, gồm 11 chương, 101 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: