Không chỉ dừng lại ở những lùm xùm liên quan tới địa giới hành chính và quản lý vận hành bất cập, chung cư Dreamland Bonanza gây bức xúc cho cư dân khi ngoài khoản tiền mua nhà vài tỷ đồng, họ phải chịu thêm vài trăm đến cả tỷ đồng tiền phí môi giới ngoài hợp đồng.
Theo phản ánh của cư dân tại chung cư Dreamland Bonanza, tháng 6/2019, chị Đ.P.Q. mua căn hộ số 1116 với diện tích 91,7m2. Giá trị hợp đồng của căn hộ là khoảng 2,697 tỷ đồng.
Thế nhưng, ngoài số tiền trên hợp đồng, chị Q còn phải ký vào một biên bản thỏa thuận với Đơn vị quản lý, phân phối và tiếp thị dự án là Công ty CP BIC Việt Nam. Trong biên bản thỏa thuận, chị Q phải đồng ý thanh toán tiền cho bên BIC Việt Nam số tiền khoảng 504 triệu đồng thì mới được mua nhà.
Chung cư Dreamland Bonanza vướng phải nhiều lùm xùm.
Tương tự chị Q, chị N.T.T.N. cũng phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng tiền ngoài cho căn hộ 71,6m2 của gia đình. Đáng nói, khi bàn bạc về vấn đề mua nhà, phía BIC Việt Nam chỉ đưa ra giá trên hợp đồng mà không hề nhắc tới khoản phí 400 triệu đồng.
"Sau khi tôi đóng 100 triệu đồng tiền cọc hợp đồng, BIC Việt Nam mới đưa ra biên bản thỏa thuận và bắt tôi đóng thêm tiền, nếu không đóng cũng không nhận lại được tiền cọc", chị N nói và cho biết thêm có phản ứng lại nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng đây là phí tư vấn mua nhà và là quy định của công ty.
Với những căn hộ có diện tích lớn, số tiền phí dịch vụ tư vấn càng cao. Ví dụ, căn hộ có diện tích 147,6m2 có giá trị trên hợp đồng khoảng 5,2 tỷ đồng, nhưng phí dịch vụ tư vấn là 986 triệu đồng.
Hiện nay, cư dân tại chung cư Dreamland Bonanza có nhiều phản đối với cách làm việc của chủ đầu tư. Do đó, nhiều người lo ngại nếu tranh chấp hợp đồng thì cư dân khó đòi lại được khoản phí tư vấn lớn này.
Thậm chí, một số cư dân còn đặt câu hỏi rằng việc chia nhỏ giá trị căn hộ như vậy có phải một hình thức né thuế của chủ đầu tư?
Biên bản thỏa thuận có hợp pháp?
Để làm rõ thắc mắc này, PV đã trao đổi với luật sư Ngô Ngọc Linh, đoàn luật sư Hà Nội thì được biết, biên bản thỏa thuận này có tính chất và nội dung giống hợp đồng môi giới bất động sản, đây là một giao dịch dân sự. Do đó, nếu người mua nhà và đơn vị phân phối tự nguyện thỏa thuận ký kết thì cũng không trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật sư Linh, nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư liên quan tới mua bán căn hộ thì người mua nhà rất khó đòi lại số tiền khi đã ký vào biên bản này. Bởi, chủ đầu tư có thể chối bỏ trách nhiệm do đây là quan hệ giao dịch giữa người mua nhà và bên phân phối kinh doanh sản phẩm. Mục đích của biên bản thỏa thuận chỉ là để người mua nhà được ký Hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
Biên bản thỏa thuận cư dân Dreamland Bonanza buộc phải ký nếu mua nhà và chịu khoản phí tư vấn rất lớn.
Song từ góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật sư Ngô Ngọc Linh cho rằng, có thể nhìn nhận bản chất của biên bản thỏa thuận này là một phần của hợp đồng mua bán căn hộ. Giá trị của biên bản thỏa thuận này rất lớn và là một phần để cấu thành giá trị của mua bán căn hộ mà người mua phải trả để được sở hữu nhà ở.
"Nếu xác định có sự cấu kết giữa chủ đầu tư với bên tư vấn, môi giới nhằm chia nhỏ giá trị căn hộ, người mua nhà có thể khởi kiện để yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới hoàn trả số tiền phí tư vấn. Vì giao dịch tư vấn, môi giới này là giao dịch giả tạo để che dấu giao dịch mua bán đối với một phần giá trị căn hộ theo quy định tại Điều 124 của Bộ luật dân sự 2015", ông Linh khẳng định.
Đáng chú ý, theo vị luật sư này, nội dung của biên bản thỏa thuận thể hiện công việc của BIC Việt Nam là: Kết nối giữa người mua nhà với chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ; Phối hợp với chủ đầu tư để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Đại diện người mua đứng ra giải quyết các vướng mắc với chủ đầu tư trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua.
"Như vậy, quá thời hạn trên người mua nhà không được cấp sổ, đồng thời BIC cũng không đại diện người mua nhà đứng giải quyết các vướng mắc với chủ đầu tư như đã cam kết tại điểm h khoản 3.1 điều 3 của biên bản thỏa thuận, thì có cơ sở để xác định nguyện vọng của người mua nhà không được đáp ứng. Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 4.1 Điều 4 của biên bản thỏa thuận, đây được xác định là hành vi vi phạm của BIC và người mua nhà có thể yêu cầu BIC hoàn trả số tiền dịch vụ tư vấn và khoản tiền phạt 20% tổng số tiền dịch vụ tư vấn", ông Linh cho hay.
"Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì khi bán hàng hóa, dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này. Do đó, nếu đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn cho khách hàng thì vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 51/2010/NĐ-CP và có dấu hiệu trốn thuế. Về mặt chế tài, đơn vị bán hàng sẽ bị xử phạt theo Khoản 5 Điều 33 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị cơ quan chức năng xử lý hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Tội trốn thuế của Bộ luật hình sự 2015" - luật sư Ngô Ngọc Linh. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: