Kể từ khi đại dịch bùng phát, chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu đã chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều gã khổng lồ, từ Apple đến Under Armour, buộc phải tìm kiếm các địa điểm đặt nhà máy mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Một trong số những lựa chọn tiềm năng là khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, lĩnh vực thương mại điện tử cũng phát triển mạnh trong năm 2020. Theo báo cáo gần đây của Facebook và công ty tư vấn Bain, có khoảng 30% người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á tăng mức chi tiêu trực tuyến của họ trong 6 tháng đầu năm 2020. Thời đại công nghệ hóa kết hợp với đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư
Tất cả những yếu tố trên khiến lĩnh vực logistics, trong đó đặc biệt là nhu cầu thuê kho bãi tăng mạnh. Các nhà đầu tư đã nhận thấy rõ ràng những gì đang diễn ra.
Đối với khu vực Đông Nam Á, lĩnh vực logistics là một khoản đầu tư hấp dẫn. Nghiên cứu từ công ty bất động sản toàn cầu JLL cho thấy các nhà đầu tư đã huy động được hơn 7 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực logistics ở Đông Nam Á. Các số liệu của JLL cũng chỉ ra rằng những vụ giao dịch trong phân khúc bất động sản công nghiệp chiếm gần 20% hoạt động đầu tư bất động sản trong nửa đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức 6% cùng kỳ năm ngoái.
Có thể kể đến một số thương vụ lớn được thực hiện trong những tháng gần đây, bao gồm việc công ty logistics DB Schenker của Đức đầu tư 163 triệu USD tại Singapore hay chi nhánh quản lý tài sản của Keppel Corporation, Alpha Investment Partners đã liên doanh với Manulife và Mega Manunggal Property để đầu tư 200 triệu USD tại Indonesia.
Hiện tại, thị trường bất động sản logistics ở Đông Nam Á có thể mong đợi các nhà đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này cũng khiến nhiều nhà đầu tư thay đổi kế hoạch.
Nhu cầu của lĩnh vực logisitcs
Áp lực từ việc kinh doanh cũng yêu cầu các chuỗi cung ứng phải hoạt động thật sự hiệu quả. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm và xây dựng những kho bãi với chất lượng cao hơn. Ngoài ra, không thể bỏ qua việc áp dụng công nghệ để tối ưu hóa các hoạt động.
Những quốc gia có thị trường nội địa lớn như Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines sẽ chiếm được ưu thế trong mắt các nhà đầu tư. Trong đó, Việt Nam có lẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhất do có vị trí chiến lược quan trọng và dễ dàng trong việc giao thương với các khu vực khác.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, có thông tin rằng tập đoàn Mapletree Logistics Trust sẽ chi 765 triệu USD để đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam cũng đón chào sự xuất hiện của tập đoàn bất động sản logistics LOGOS từ Úc.
Trong thời điểm mà sự chắc chắn của thị trường là thứ không rõ ràng, tính ổn định lâu dài của lĩnh vực logisitcs cũng như giá trị vốn tương đối vững chắc trong lĩnh vực này đang khiến các nhà đầu tư chú ý hơn bao giờ hết. Vì vậy, hoàn toàn có thể mong đợi các nhà đầu tư thay đổi danh mục đầu tư của họ, qua đó tạo ra sự phát triển toàn diện hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: