Khu tái định cư tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức vẫn còn khoảng 130 căn bỏ trống, không người ở. Ảnh: Mỹ Phượng
Ai ở trong khu nhà tái định cư?
Qua cuộc khảo sát mới đây của Ban Kinh tế -Ngân sách, HĐND tỉnh cho thấy, người dân đang ở các khu tái định cư (TĐC) đa số không phải là người được bố trí suất TĐC. Tại các khu TĐC trên địa bàn huyện Tân Thành, nhiều trường hợp được bố trí TĐC nhưng không ở mà chuyển nhượng lại cho người khác. Tại khu TĐC 15ha thị trấn Phú Mỹ, (huyện Tân Thành) hầu hết các hộ đang sinh sống ở đây đều cho biết họ đã nhận chuyển nhượng từ các hộ có suất TĐC. Ông Đào Quỳnh Phê cho biết, ông mua lại suất TĐC từ năm 2006 với giá khoảng 50 triệu đồng, sau đó ông xây dựng và hoàn thiện nhà ở. Tương tự, gia đình anh Ma Hữu Tuấn cũng mua lại suất TĐC với giá 230 triệu đồng vào năm 2008. Theo anh Tuấn, ở khu vực này rất nhiều người mua lại suất TĐC để ở chứ không riêng gì gia đình anh.
Theo ông Dương Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành, mặc dù các khu TĐC đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đường sá khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn bị bỏ trống. Lý do là vì người dân không thể xây những ngôi nhà “kiểu mẫu” như bản vẽ, bởi phần lớn người bị giải tỏa đều có cuộc sống khó khăn, không đủ khả năng xây dựng nhà cấp ba theo quy định của Nhà nước.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, hiện nay, số lượng hộ dân sinh sống tại các khu TĐC còn rất ít. Nhiều khu TĐC chỉ có khoảng 5% hộ trong diện giải tỏa sinh sống, còn lại sang nhượng hoặc bỏ trống, gây lãng phí lớn. Điển hình là khu TĐC 2ha với 96 căn hộ ở thị trấn Phú Mỹ, được hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây 2 năm, nhưng đến nay chỉ có 3 hộ vào ở; các căn hộ còn lại bỏ trống, cỏ mọc um tùm, nguy cơ xuống cấp đã thấy.
Tương tự, tại các khu TĐC ở các địa phương khác trong tỉnh, tình trạng sang nhượng lại các suất TĐC cũng khá phổ biến. Tại khu TĐC Trần Bình Trọng (TP. Vũng Tàu) nhiều trường hợp đã sang nhượng qua tay nhiều chủ. Còn tại khu TĐC 160 căn ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) sau 5 năm đưa vào sử dụng, huyện mới chỉ bố trí được 30 suất, số còn lại bỏ hoang không người sử dụng. Lý do là người dân chỉ nhận TĐC bằng tiền và tự lo chỗ ở mới. Hiện nay, nếu không đấu giá hoặc bảo trì thì khu TĐC này có nguy cơ xuống cấp trầm trọng.
Không người ở, khu tái định cư 2 ha với 96 căn tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) đang ngày càng xuống cấp
Người dân gặp khó
Không có nhiều việc làm tại nơi ở mới – đó là thực tế ghi nhận được theo khảo sát, tìm hiểu tại một số chung cư TĐC trên địa bàn các địa phương. Các chung cư khu TĐC chỉ là nơi để cho người dân di dời có được chỗ ở, chứ chưa tạo ra được cuộc sống mới cho họ. Thu nhập của người dân kiếm được từ việc làm ăn đã bị giảm sút do những khó khăn vì phải di chuyển chỗ ở, hoặc do những phí tổn do phải đi làm xa.
Bà Trương Thị Nhàn, ở 1774/5B đường 30-4 thuộc khu TĐC Phước Cơ (TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây, gia đình bà sống ở đường Đô Lương, phường 11, từ khi Nhà nước thu hồi đất, cuộc sống của gia đình bà khó khăn hơn trước. Năm 2005, gia đình bà bị giải tỏa gần 200m2, được đền bù khoảng 10 triệu đồng. Khi được bố trí ở khu TĐC, gia đình bà còn phải bù thêm 46 triệu đồng mới đóng đủ tiền đất. Chạy vạy và vay mượn nhiều nơi, sau ngần ấy năm, gia đình bà đến giờ mới trả xong nợ. “Sau khi chuyển lên nơi ở mới, do xa khu vực trung tâm thành phố nên việc học hành, đi lại của con, cháu rất khó khăn. Mỗi khi đau ốm, đi đến bệnh viện cũng rất xa” – bà Nhàn than thở.
Nhiều khu tái định cư ở huyện Tân Thành hiện nay không có người ở, bỏ hoang cỏ mọc um tùm
Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Ngọc, ở 1174/B20 khu TĐC này nói: “Trước đây khi ở đường Đô Lương, việc đi lại, sinh hoạt của vợ chồng tôi rất thuận lợi, nhưng từ khi lên đây, do phải đi vay mượn để làm nhà, đóng tiền suất TĐC nên gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần”. Con lớn của chị Ngọc hiện 13 tuổi, học lớp 7 phải qua tận Bà Rịa để học, đứa em nay đã 4 tuổi hàng ngày phải chở đi 7-8km mới có trường mẫu giáo để học. Vì vậy, mong ước của chị là có trường học gần nhà để con cái học hành thuận tiện hơn.
Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã góp phần tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của nhiều hộ gia đình số#ng bằng nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách giải quyết việc làm cho nông dân vùng dự án, nhưng con số này vẫn còn rất ít.
Cùng với số đất bị thu hồi, tình trạng nông dân không có việc làm trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Cuộc sống của nhiều hộ nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đền bù tái định cư. Sự nhàn rỗi cộng với số tiền đền bù tạo cho người dân có một cuộc sống trước mắt sung túc, làm cho họ ảo tưởng, dẫn đến tiêu tiền phóng túng, thiếu tính toán và không nhận ra mình đang phung phí chính nguồn sống của tương lai.
Cần xem xét bố trí TĐC bằng tiền nhằm giảm bớt áp lực về quỹ đất dành cho TĐC, đặc biệt là ở các địa phương như: TP. Vũng Tàu, TX Bà Rịa, huyện Tân Thành… Ngoài ra, khi xây dựng các khu TĐC nên xem xét đến hoàn cảnh sống của đối tượng TĐC để bố trí cho phù hợp, tránh trường hợp người dân không thích vào ở những khu TĐC cho dù đầy đủ cơ sở hạ tầng. Ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Phần lớn diện tích đất thu hồi để Nhà nước triển khai thực hiện các dự án là đất nông nghiệp. Còn khi giao đất hoặc nhà tái định cư (TĐC) thì đất đó là đất ở, buộc người có tiêu chuẩn nhận suất TĐC phải đóng thêm một khoản tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở. Trong khi đó, giá bồi thường theo quy định của Nhà nước thấp nên người dân gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước nếu nhận suất TĐC. Đó là chưa kể có một số khu TĐC buộc phải xây dựng theo tiêu chuẩn, không được xây nhà cấp 4. Vì vậy, theo tôi cần đa dạng các hình thức TĐC để người dân lựa chọn. Bà Bùi Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: