Theo báo cáo của Cục Quản lý Kinh doanh, trong 10 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng đầu năm 2020 là 13.502 doanh nghiệp, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kinh doanh bất động sản; sản xuất phân phối điện, nước, gas; Giáo dục và đào tạo là 3 ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp hàn tất thủ tục giải thể tăng với tỷ lệ tăng lần lượt là 49,4%; 43% và 31,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn. Cụ thể, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động dưới 1 năm chiếm 4,2%, từ 1 đến dưới 5 năm là 8.713 doanh nghiệp chiếm 64,5%.
“Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài”, Cục Quản lý Kinh doanh cho biết.
Cơ quan này cũng kiến nghị trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này.
Bên cạnh các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 10 tháng qua có 37.710 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó đáng lưu ý là các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có 1.020 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: