Tuy nhiên, dù bất động sản khởi sắc thì nhiều cổ đông của doanh nghiệp trong ngành này vẫn phải mòn mỏi chờ cổ tức, cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản đang khát vốn và có thể đang gặp “trục trặc” trong vấn đề tài chính.
Cổ tức thấp, thậm chí không chia
CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH) vốn như một “ngôi sao sáng bất ngờ” trên thị trường chứng khoán với mức tăng trưởng hơn 100% kể từ đầu năm. Đặc biệt DRH được biết đến với nhiều thương vụ mua bán sáp nhập các dự án bất động sản gần đây. Dù vậy, kết thúc năm 2015 DRH lãi sau thuế hơn 14 tỷ đồng, vượt 2,4% kế hoạch và tăng 27,5% so với năm 2014. Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, HĐQT đã trình cổ đông phương án phân chia lợi nhuận, trong đó năm 2015 sẽ không chia cổ tức cho cổ đông do lợi nhuận chưa cao.
Không chỉ có DRH, mới đây ban lãnh đạo của Sacomreal cũng đề xuất giữ lại lợi nhuận 2015 cho năm sau. Năm 2015 doanh nghiệp này đạt doanh thu 781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 61,5 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, đơn vị này đưa ra kế hoạch phát hành gần 11 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5% từ nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông. Tương tự, một trường hợp khác cũng không chia cổ tức 2015 là CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR). Mức lãi ròng năm qua mà công ty đạt được cũng ở mức khiêm tốn 13 tỷ đồng so với hơn 960 tỷ đồng vốn điều lệ.
Nhìn chung mức cổ tức của nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng ở mức khá thấp so với các doanh nghiệp ngành nghề khác. Chẳng hạn, Phát Đạt chỉ chia cổ tức tỷ lệ 5% so với vốn điều lệ, CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) là 4%. Thậm chí nhiều doanh nghiệp “an ủi” cổ đông bằng cách chia cổ tức hoặc phát hành thêm cổ phiếu từ thặng dư vốn. Mới đây, Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng lên phương án trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu. Một doanh nghiệp bất động sản khác là Đất Xanh cũng quyết định mức chi trả bằng cổ phiếu 15% cho năm 2015.
Bên cạnh những doanh nghiệp muốn giữ lại tiền của cổ đông thì cũng có một số doanh nghiệp chọn phương án chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ khá cao. Điển hình trọng số đó là Khang Điền dành hơn 226 tỷ đồng trả cổ tức 2015 với mức 15% và Nhà Từ Liêm cũng chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ là 10%.
Trên thực tế, nhiều cổ phiếu bất động sản có mức thanh khoản tốt trên thị trường thì cổ tức có thể không phải là vấn đề lớn của cổ đông nhỏ. Tuy nhiên đối với những cổ đông lớn thì các phương án chia cổ tức bằng mặt, cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận có thể có tác động rất lớn. Thực tế dù thị trường bất động sản phục hồi trong thời gian qua nhưng “tiền” vẫn là một vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp bất động sản. Một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, chi trả cổ tức bằng tiền sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn của công ty và phần lớn xin giữ lại lợi nhuận.
Điệp khúc tăng vốn
Trong khi giá cổ phiếu bất động sản trên thị trường hiện nay không có nhiều khởi sắc, thậm chí nhiều mã còn lẹt đẹt dưới mệnh giá. Dù vậy kế hoạch năm 2016 của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng không khác những năm trước ở nhu cầu vốn kinh doanh là rất lớn. Vì vậy, phương án tăng vốn khủng đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tại đại hội thường niên 2015 của Khang Điền, cổ đông đã thông qua phương án, phát hành 54 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 10:3) cho cổ đông hiện hữu từ thặng dư vốn, vốn điều lệ sẽ tăng lên 2.340 tỷ đồng. Trong năm 2015 vừa qua, Khang Điền cũng đã thực hiện 2 đợt tăng vốn. Đợt 1 từ 750 tỷ đồng lên 1.260 tỷ đồng vào tháng 1-2015 và đợt 2 lên 1.800 tỷ đồng vào tháng 12-2015. Theo công ty, việc tăng vốn đã giúp cho doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, trong đó có khoản đầu tư vào BCCI với việc sở hữu 57,3%.
Điểm nóng của Đại hội thường niên 2015 vừa qua của Hoàng Quân chính là HĐQT tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành 205 triệu cổ phiếu trong năm 2016. Theo đó, Công ty sẽ phát hành 31,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25:2 từ nguồn vốn lợi nhuận chưa phân phối; tiếp đó HQC sẽ chào bán 98,75 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 và phát hành cho đối tác chiến lược 74,65 triệu cổ phần. Dự kiến tổng số tiền thu về hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.
Số tiền thu được, Hoàng Quân dự kiến sẽ đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội như dự án Tân Hương - Tiền Giang và Tây Ninh, hay góp vốn hợp tác kinh doanh tại các dự án nhà ở xã hội Bình Thuận, dự án HOF - HQC Hồ Học Lãm… và bổ sung 84 tỷ đồng còn lại vào vốn lưu động. Việc phát hành của Hoàng Quân khiến nhiều cổ đông lo ngại cổ phiếu sẽ bị pha loãng dù thị giá cũng ở mức 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2016, Đất Xanh dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 1.173 tỷ đồng lên mức 2.531 tỷ đồng qua 3 đợt. Trong đó, Công ty sẽ phát hành tối đa hơn 117 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá với số tiền thu được khoảng 1.172 tỷ đồng được đầu tư toàn bộ vào dự án thuộc dự án KDC và Tái định cư Nam Rạch Chiếc (Quận 2-TP.HCM). Hai đợt còn lại phát hành trả cổ tức và thưởng cho cán bộ công nhân viên. Hay một doanh nghiệp khá nổi trên thị trường bất động sản thời gian qua là Dreamhouse (DRH) cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng. Theo đó, DRH dự kiến tăng vốn điều lệ từ 183,9 tỷ lên mức 490 tỷ đồng. Bên cạnh những doanh nghiệp này thì cũng có hàng loạt doanh nghiệp khác tăng vốn khủng như FLC, Xây dựng Cotec (CTD), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC)…
Việc các doanh nghiệp bất động sản vào “cuộc đua” tăng vốn là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang trong giai đoạn phục hồi khá ấn tượng. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào phản ánh tình trạng tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay khá yếu. Việc tăng vốn ngoài lý do để đầu tư dự án thì cũng là cách để doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng tài chính khó khăn khi vốn “mỏng” nợ nần lớn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: