Đất Nhà Bè dậy sóng (TP.HCM)
Từ cuối năm 2019, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM, bốn huyện gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn đã được đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận, trong đó nhiều khả năng huyện Nhà Bè sẽ lên quận sớm nhất. Từ thông tin này, giá đất bất động sản vùng ven TP.HCM cũng dậy sóng.
Năm năm trước, giá đất thổ cư huyện Nhà Bè chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 bỗng tăng vọt lên 35 triệu đồng/m2, có nơi lên đến 75 triệu đồng/m2.
Giá đất trung bình ở huyện Bình Chánh đầu năm 2018 khoảng 28 triệu đồng/m2 thì đầu năm 2020 đã tăng lên 39 triệu đồng/m2 với mức giá thấp nhất 9 triệu đồng/m2 và cao nhất là 130 triệu đồng/m2.
Tháng 2/2020: Sốt đất Bình Ba (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trước thông tin Tập đoàn Vingroup đề xuất thực hiện đầu tư hai dự án tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích 800 hécta , mặc dù dự án chỉ mới dừng lại ở đề xuất nghiên cứu, lập khảo sát nhưng đã thổi bùng cơn sốt đất chưa từng có ở tại khu vực này.
Đất nằm trên tuyến Quốc lộ 56 được dự kiến sẽ là địa điểm thực hiện dự án 800 hécta đã có mức giá tăng gấp 2-3 lần so với trước đó, trong khi thực tế tại khu vực này không có điểm gì nổi bật. Dọc tuyến Quốc lộ 56, dân cư vẫn thưa thớt, tập trung chủ yếu ở mặt tiền, phía sau là bạt ngàn cao su, điều và khoai mì.
Tháng 3/2020: Đất Thạch Thất lên cơn sốt (Hà Nội)
Cũng giống với trường hợp trên, thông tin Tập đoàn Vingroup đề xuất xây dựng hai khu đô thị có tổng diện tích khoảng 500 hécta trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã làm cho hàng trăm nhà đầu tư đổ về đây săn đất, khiến cho giá đất bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, dù mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng chưa nhận được văn bản hay chỉ đạo của thành phố về việc phê duyệt nhưng giá đất tại xã Đồng Trúc, nhất là khu đất phân lô giãn dân Quan Giai đã tăng gấp 2-3 lần so với 10 ngày trước đó.
Cụ thể, giá đất tại đây được rao bán từ 12,5 – 23 triệu đồng/m2 trong khi trước đó chỉ từ 6 triệu đồng/m2, thậm chí hai lô đất nằm cạnh nhau do hai môi giới khác nhau cũng có mức giá chênh 2,5 triệu đồng/m2.
Tháng 10/2020: Sốt đất Ứng Hòa (Hà Nội)
Vào tháng 10/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội đề xuất phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam thành phố.
Trước đó, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016 xác định huyện Ứng Hòa là một trong bốn vị trí được đưa ra nghiên cứu, khảo sát để lựa chọn xây dựng sân bay, nhưng vị trí cụ thể ở đâu thì vẫn chưa được xác định.
Trước thông tin này, khảo sát trên nhiều trang giao dịch nhà đất đã rao bán giá đất xã Hòa Nam chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 nhưng những ngày sau đó đã lên từ 14 – 25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp địa ốc cho rằng khu vực này rất khó để tạo sóng và thông tin về quy hoạch sân bay là chưa có cơ sở, bởi huyện Ứng Hòa khá xa và trái tuyến giao thông so với Hà Nội cùng với hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ.
Do đó, khu vực này chưa hình thành thị trường địa ốc, nếu có chỉ là những giao dịch nhỏ lẻ, người dân mua đi, bán lại với nhau.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn hiện diện những cơn sốt đất chìm, nổi liên tục trong nhiều năm.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Sân bay Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 2011. Trải qua gần 10 năm kể từ khi phê duyệt, khu vực Long Thành và các vùng lân cận liên tục trải qua các cơn sốt đất lên, xuống của thị trường khi giới đầu cơ tranh mua đất ăn theo hạ tầng khu vực.
Cuối năm 2019, giá đất khu vực Long Thành dao động 15-30 triệu đồng/m2, trong khi năm 2018 chỉ từ 8-15 triệu đồng/m2. Bước sang năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, giá đất khu vực này tăng thêm 20% so với năm 2019, cao nhất lên đến 100 triệu đồng/m2.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1777 phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 có diện tích 1.810 hécta, với tổng mức đầu tư 109.111,742 tỉ đồng. Giai đoạn 1 dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 5/2021.
Nếu sân bay Long Thành đảm bảo tiến độ khởi công trong năm 2021, đây sẽ là tin vui bước đầu không chỉ dành cho các nhà đầu tư mà con cho người dân quanh sân bay ổn định được đời sống và phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực.
Năm huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận
Cuối tháng 7/2016, thông tin huyện Hoài Đức lên quận đã giúp cho thị trường bất động sản khu vực này chuyển biến tích cực. Sau đó là thông tin về bốn huyện ngoại thành của Hà Nội gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận càng giúp khu vực ngoại thành Hà Nội nóng sốt hơn nữa trong thời gian qua.
Cụ thể, giai đoạn từ 2015 đến đầu năm 2020, giá đất huyện Đông Anh đã tăng thêm 40-60%, mức giá dao động từ 20-170 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Giá đất huyện Gia Lâm đã tăng thêm 10-15% và một số khu vực tăng thêm 30% so với thời điểm cuối năm ngoái, mức giá dao động từ 15-60 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, huyện Hoài Đức và Thanh Trì không có nhiều biến động trong năm 2019 kể cả khi có quyết định đưa Hoài Đức lên quận 2020 và Thanh Trì lên quận 2025. Giá đất tại hai khu vực này tương đối ổn định, tăng 3-5% tại các tuyến đường lớn.
Cụ thể, giá đất tại huyện Thanh Trì dao động từ 15-80,5 triệu đồng/m2, giá đất huyện Hoài Đức dao động từ 20-100 triệu đồng/m2.
Cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) – Nhơn Trạch (Đồng Nai)
Chuyện nhà đầu tư đổ về Nhơn Trạch không phải mới đây mà đã kéo dài từ khi thông tin xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) được bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ tháng 5/2017.
Bên cạnh số ít nhà đầu tư đầu cơ thành công, không ít người đang ngậm trái đắng khi tiền đã trao mà hạ tầng vẫn chưa thấy đâu, trong khi mặt bằng giá tại tăng quá cao. Điển hình, một lô đất ở đường Lý Thái Tổ năm 2017 có giá 10 triệu đồng/m2 thì đến hiện tại mức giá đã tăng lên 40 triệu đồng/m2.
Cuối tháng 11/2020 vừa qua, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đề nghị Bộ GTVT phối hợp TP.HCM và Đồng Nai triển khai khởi công xây cầu Cát Lái trong năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản nào được đưa ra về việc thi công cầu Cát Lái.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: