Đẩy mạnh thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, ngành Xây dựng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội. Sau một thời gian các giải pháp này bắt đầu đi vào cuộc sống. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là phải khắc phục sự lệch pha về cung - cầu, làm cho thị trường BĐS giao dịch trở lại để phát triển kinh tế, cùng với đó, phát triển nhà xã hội để hư

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, ngành Xây dựng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội. Sau một thời gian các giải pháp này bắt đầu đi vào cuộc sống. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là phải khắc phục sự lệch pha về cung - cầu, làm cho thị trường BĐS giao dịch trở lại để phát triển kinh tế, cùng với đó, phát triển nhà xã hội để hư

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động cũng như hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng sau một thời gian triển khai?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, giải pháp khắc phục khó khăn cho thị trường BĐS chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn là chính chứ không phải bơm tiền vào thị trường. Vì, nếu dùng tiền thì Nhà nước không đủ nguồn lực, trong đó, có giải pháp như rà soát lại các dự án BĐS trên cả nước, đặc biệt tại đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Dự án nào phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, năng lực chủ đầu tư và nhu cầu người tiêu dùng sẽ tiếp tục triển khai. Dự án chưa phù hợp thì điều chỉnh. Dự án đang dở dang, năng lực chủ đầu tư yếu kém, nguồn lực thực hiện cũng như nhu cầu không phù hợp thì đình hoãn, giãn tiến độ…

Nhược điểm lớn hiện nay của thị trường là sự mất cân đối cung cầu. Trong một thời gian dài do sự phát triển thiếu cân đối của thị trường BĐS khiến dư thừa những căn hộ có giá cao, có diện tích rộng trong khi những căn hộ có diện tích vừa phải, nhỏ, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân lại có số lượng rất ít. Do đó, tái cấu trúc lại cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS hiện nay là giải pháp cơ bản mà Chính phủ và Bộ Xây dựng đang hướng tới; trong đó, đã và đang triển khai phương án chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại có quy mô căn hộ lớn sang quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, để tạo cú hích với một thị trường “đang ốm”, tạo cầu thực cho người dân có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ thông qua Nghị quyết 02, chấp thuận gói kích cầu 30.000 tỷ đồng để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ thì rõ ràng là con số rất ít.Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ. Trong điều kiện hiện tại, 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực để hoàn thiện. Phần lớn gói 30.000 tỷ đồng (70%) để cho người dân vay với thời hạn 10 năm, lãi suất 6% hoặc thấp hơn. Có thể thấy, vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân.

Thực tế, tính đến thời điểm 13-8-2013, các ngân hàng đã cho 208 khách hàng hộ gia đình vay với số tiền khoảng 49 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02 đã nhận được nhiều hồ sơ của doanh nghiệp và người dân và đang tích cực tiến hành việc thẩm định để cho vay. Như vậy, bước đầu đã tạo được niềm tin, nguồn động lực nhất định cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu cho người dân mua nhà.

PV: Thưa Thứ trưởng, cùng với những giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho người mua nhà, Bộ xây dựng sẽ có giải pháp gì để đẩy nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá thấp?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội chính là sự tác động của Nhà nước vào thị trường BĐS, làm gia tăng giao dịch và kéo mặt bằng cung về giá nhà ở trên thị trường xuống đáng kể. Bộ Xây dựng đã quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tính đến nay, trong cả nước đã có khoảng 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn.

Trong thời gian qua, một số dự án nhà ở xã hội trên cả nước cũng đồng loạt được khởi công xây dựng. Ngoài ra Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương trọng điểm có nhiều dự án BĐS rà soát lại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà đang triển khai, các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai và tiến hành phân loại, dự án nào được tiếp tục triển khai, dự án nào cần tạm dừng, dự án nào cần điều chỉnh cơ cấu. Đến nay, đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội với quy mô 34.000 căn, chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có 22 dự án nhà thương mại đăng ký điều chỉnh quy mô căn hộ, tăng từ 6000 căn lên 8.320 căn hộ.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy hoạch những khu đô thị mới rộng hàng trăm héc ta, có đầy đủ hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội. Trước mắt chúng ta sử dụng quỹ đất 20% trong các khu đô thị mới để xây nhà ở xã hội.

PV: Hiện nay, khi cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng đều yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải chứng minh thu nhập để bảo đảm khả năng trả nợ. Theo Thứ trưởng, mức thu nhập khoảng bao nhiêu thì vay mua nhà là hợp lý? Còn những người không bảo đảm thu nhập thì giải quyết như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở. Thứ nhất, với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ, tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30m2 - 70m2 và có hạ tầng đầy đủ. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp. Có ý kiến lo ngại rằng đây sẽ là những khu ổ chuột trong tương lai, nhưng thực tế ngay tại thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, có những hộ gia đình 24 người chen chúc trong diện tích vỏn vẹn 30m2, vì vậy chúng ta cần cân đo đong đếm từ nhu cầu đến khả năng của người dân một cách hợp lý.

Nếu một căn hộ diện tích 30m2, giá là 250 triệu đồng, thì theo quy định người mua phải tự lo khoảng 50 triệu (20%), ngân hàng cho vay 80% là 200 triệu, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu tiền gốc, mỗi tháng trả 1,66 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc tổng số tiền đầu tiên. Như vậy mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi là 2,66 triệu, những tháng sau gốc giảm thì lãi cũng giảm. Với thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 7 – 8 triệu/tháng thì vay mua nhà trả nợ được

Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà ở có thời hạn. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng và giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.

Mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội, tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu của những người từ nghèo nhất cho tới những người có khả năng thanh toán với các hình thức thích hợp, quy mô sản phẩm khác nhau, hình thức thuê hoặc mua. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm.

PV: Người dân cho rằng, giá bán tại một số dự án nhà ở xã hội vẫn còn cao, 13-14 triệu/m2. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để hạ giá nhà xã hội hơn nữa? Giá nhà thấp nhưng làm thế nào để bảo đảm chất lượng?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Với mức hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay về thuế, về tiền sử dụng đất, nhất là từ gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ, giá nhà xã hội đã có giá từ 10 đến 12 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, một số tỉnh, thành phố khác như: Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Bắc Ninh… có giá dưới 7 triệu đồng/m2.

Để phát triển quỹ nhà ở xã hội, về phía Chính phủ, đã đưa ra nhiều ưu đãi, như không thu thuế hoặc giảm thuế, không thu tiền đất, tăng mật độ xây dựng, được ưu đãi về nguồn vốn tín dụng, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được rút gọn, không phải xin giấy phép xây dựng...

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ xây dựng tiếp tục đề xuất cho phép miễn, giảm thuế GTGT cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép các doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế… Mục tiêu là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được mua nhà giá rẻ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà xã hội.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về phía doanh nghiệp làm sao phải giải bài toán nhà ở chất lượng không thấp nhưng giá thành thấp? Doanh nghiệp phải vận dụng thành tựu mới trong khoa học công nghệ, ví dụ như công nghệ sản xuất và lắp dựng các cấu kiện bê tông dự ứng lực, công nghệ lắp ghép với phương pháp trượt lõi cầu thang…

Có thể nói, nhà ở xã hội mà chúng ta đang xây dựng có chất lượng không khác gì nhà ở thương mại về yêu cầu kỹ thuật và an toàn, chỉ khác nhau về vật liệu hoàn thiện. Điều này thể hiện từ chất lượng kiến trúc, chất lượng cảnh quan môi trường đến chất lượng công trình, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhà ở xã hội vẫn phải cạnh tranh và người dân có toàn quyền lựa chọn mà không bị bắt buộc phải mua của dự án nào. Vì vậy, các nhà kiến trúc, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa ra những thiết kế nhà ở xã hội vừa bảo đảm chất lượng vừa bảo đảm điều kiện sống cho con người phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong điều kiện có sự hỗ trợ của Nhà nước. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ xây dựng sẽ kiểm soát việc các doanh nghiệp quy định giá bán nhà cũng như vấn đề chất lượng công trình nhà ở.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24