Như thế nào là quốc gia phát triển?
Nguồn: Tradingeconomics
Theo cách hiểu thông thường, nước phát triển (developed country) là những nước công nghiệp hay nước có thu nhập cao (high income). Những nước được xếp vào nhóm này đều là những nước đạt được tiêu chí có nền kinh tế phát triển ở trình độ với đặc trưng là khu vực công nghiệp và dịch vụ lớn, mức thu nhập đầu người cao.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một tiêu chí định lượng cụ thể nào để xếp một quốc gia vào nhóm nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển. Ngoài nhóm G7, thì có 22 quốc gia vùng lãnh thổ khác trong đó châu Á có bốn là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông. Trong khi đó, theo xếp hạng Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thì có 37 nước được gọi là quốc gia phát triển.
Mới đây, USTR cơ quan chuyên trách về soạn thảo và điều phối chính sách về kinh tế đối ngoại và đầu tư trực tiếp của Mỹ đã cắt ngắn danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển. Theo đó, một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và 15 nước khác ở châu Âu, Trung Á, Trung và Nam Mỹ, và châu Phi đã bị loại khỏi nhóm các quốc gia đang phát triển.
Việc Việt Nam không còn là quốc gia “đang phát triển” là một điều khá bất ngờ với rất nhiều người. Bởi theo các tiêu chí thông thường, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia chậm phát triển.
Thực vậy, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam hiện mới đang ở mức 2.539 USD/người/năm, đứng thứ 128/180 nền kinh tế trên thế giới. Tỷ lệ, GDP trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao (13%) và số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gần 70%. Tỷ lệ đô thị hóa cũng đạt chưa đến 40%.
Như vậy, với mức thu nhập đó Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, không chỉ có Việt Nam, Ấn Độ là một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức 2.000 USD cũng bị Mỹ đưa ra khỏi nhóm các nước phát triển.
Mỹ áp dụng tiêu chí nào?
Nguồn: Tradingeconomics
Trước đó, 26/7/2019, Tổng thống Trump chỉ đạo USTR không xem xét các quốc gia đang phát triển theo tiêu chí của WTO. Theo đó, USTR sẽ thành lập một danh sách riêng để áp dụng các tiêu chí ưu đãi khác nhau. Trong các quốc gia bị USTR loại khỏi tư cách là các quốc gia đang phát triển đều có kim ngạch thương mại lớn với Hoa Kỳ, trong đó đứng đầu là Trung Quốc.
Cụ thể, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil lần lượt xếp thứ nhất, thứ sáu, thứ chín và thứ mười hai, tương ứng trên bậc thang của mười lăm đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam (đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ) và Malaysia (thứ 17), Singapore (thứ 18), Thái Lan (thứ 21) và Indonesia (thứ 27) mất vị thế quốc gia đang phát triển vì mỗi quốc gia có ít nhất 0,5% thị phần thương mại toàn cầu.
Như vậy, việc Mỹ muốn loại bỏ vị thế quốc gia đang phát triển các quốc gia này chủ yếu do có thặng dư thương mại lớn với mình. Với việc “hạ chuẩn” này Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong điều tra chống bán phá giá, áp đặt thuế và các hàng rào phi thuế quan khác với những quốc gia này. Như vậy, Mỹ sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu cắt giảm những ưu đãi trong thương mại để “lấy lại công bằng”.
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Nếu không còn vị thế là quốc gia đang phát triển, các nước này sẽ bị áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt hơn về bảo vệ môi trường, quyền người lao động, nhân quyền. Bên cạnh đó, hàng hóa các quốc gia này xuất khẩu vào Mỹ có thể bị điều tra chống bán phá giá ngay cả khi chính phủ trợ giá dưới 2%. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể bị chấm dứt các ưu đãi về thuế quan.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng bởi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam rất lớn so với GDP (200% GDP). Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 15 vào Mỹ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ lên đến 60 tỉ USD, nhập khẩu 14,3 tỉ USD. Do đó, nếu Mỹ “gây khó dễ” cho hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang ở một trình độ phát triển rất thấp. Các tiêu chí về bảo vệ người lao động, nhân quyền, bảo vệ môi trường còn thấp. Do đó, khi tiêu chuẩn cao được áp dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và giá thành sản xuất của Việt Nam, dẫn đến sức cạnh tranh về hàng hóa sẽ giảm.
Tuy nhiên, thông cáo của USTR không phải là những phán quyết cuối cùng. Việt Nam có cơ hội để chứng minh mình vẫn là nước đang phát triển trong thời gian tới.
Để làm điều này, trước mắt Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc muốn lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.
Bên cạnh đó, cần chủ động đàm phán để Mỹ xem xét Việt Nam là nước đang phát triển bằng cách chủ động chứng minh Việt Nam vẫn đang chậm phát triển và cần thiết phải hỗ trợ cho một số ngành công nghiệp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: