Thực trạng nhiều khu đất "vàng” ở những vị trí đắc địa bị bỏ hoang tại Hà Nội trong một thời gian dài không còn là vấn đề mới nhưng luôn nóng và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Việc làm này không chỉ gây mất vẻ đẹp mỹ quan đô thị mà quan trọng, nó đang tạo nên sự lãng phí đúng nghĩa, trong khi các dự án cộng đồng như bệnh viện, trường học, bãi gửi xe... lại luôn "khát” đất.
Luật Đất đai ở nước ta vẫn còn những kẽ hở để các chủ đầu tư có cơ hội "lách” luật, kéo dài thời gian thi công Ảnh: HOÀNG LONG
Bỏ hoang quá nhiều
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn thành phố hiện nay, ở đâu, người dân đều có thể dễ dàng bắt gặp các khu đất chỉ cắm biển thông báo có dự án rồi để đấy, khung cảnh bên trong rất hoang tàn, là nơi để cỏ dại mọc um tùm, rác thải bừa bãi. Không chỉ ở những khu vực ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Hà Đông... mà ngay tại chính những khu vực trung tâm thành phố như Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm... cũng không khó để tìm kiếm những mảnh đất hoang.
Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ tiêu biểu như tại khu vực Cầu Giấy, khu đất có ký hiệu H-H, đối diện siêu thị Big C, được giao cho TCT Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex từ nhiều năm nay. Đi dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Xuân Thủy cũng có hàng loạt khu đất đã được cấp phép xây dựng song kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy. Những khu đất trống trong khu đô thị Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính... Quận Ba Đình, khu đất khoảng 4 ha đã bỏ hoang gần chục năm nay nằm sát cạnh Đại sứ quán Nhật Bản, được cho là thuộc quyền quản lý của Bộ Ngoại giao. Các dự án khu đô thị Park City (Văn Khê, Hà Đông), Chung cư cao cấp Booyoung Vina (Hà Đông)... nay vẫn vắng lặng cũng là những minh chứng sống cho thực trạng đất "vàng” hoang phế tại Thủ đô. Đặc biệt, việc bỏ hoang đất "vàng” đã tạo điều kiện cho người dân lấn chiếm làm các quán bia hơi, cafe, nơi đỗ xe, rửa xe... trong khi nhiều người dân đang khốn khổ vì thiếu nhà ở.
Theo kết quả rà soát đất bỏ hoang của thành phố Hà Nội trong năm 2011, đã phát hiện 30/118 dự án chậm tiến độ, được đưa vào "danh sách đen” vì không chịu triển khai. Nguyên nhân được cho là do sự khó khăn của nền kinh tế khiến thị trường bất động sản đóng băng, các dự án cũng phải "giãn” thi công. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân thuộc về công tác giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, Luật Đất đai ở nước ta vẫn còn những kẽ hở để các chủ đầu tư có cơ hội "lách” luật, kéo dài thời gian thi công. Tuy nhiên, trong đó có một câu hỏi luôn khiến dư luận thắc mắc, là tại sao, với các dự án được xác định do năng lực chủ đầu tư yếu nhưng lại vẫn được cấp phép xây dựng?
Bao giờ đất "vàng” hết hoang?
Tại hội thảo "Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020” do Bộ Tài chính tổ chức cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Tài chính thẳng thắn nhận định, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất có diện tích lớn và ở những vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng, khai thác đất lại chưa có hiệu quả. Để xử lý, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lời, cá biệt có một số nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi đó có rất nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Mặt khác, khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, TCT nhà nước có nhiều thay đổi, song việc chuyển đổi công năng của tài sản trên đất và mục đích sử dụng đất không theo kịp, đặc biệt là đất của một số ngành như lương thực, thực phẩm... dẫn đến hiệu quả khai thác quỹ đất thấp, thậm chí bỏ trống, cho thuê, bị lấn chiếm. Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ có biện pháp xử lý để huy động các tiềm năng này nhưng có lẽ, đây không phải việc dễ dàng.
Tại buổi hội thảo này, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã khẳng định với báo chí rằng, việc để đất hoang có thể bị đánh thuế cao, thậm chí sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, theo một vị chuyên gia trong ngành xây dựng, việc đánh thuế cao có lẽ cũng chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề. Thực tế cũng đã chứng minh, thời gian qua, dù rằng người dân bức xúc, các cơ quan chức năng cũng biết về các khu đất hoang, nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thực sự mạnh tay xử lý, trong khi có những khu đất đã "nằm im” cả chục năm nay. Bởi vậy, điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải theo dõi sát sao tiến độ công trình, kiên quyết mạnh tay xử lý các vi phạm, thu hồi diện tích đất bỏ hoang theo đúng luật, sau một thời gian nhất định mà tiến độ không được đảm bảo.
Trước thông tin về bỏ hoang đất "vàng” tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng kiểm tra lại sự việc, có giải pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật với các khu đất đã giao còn hoang phí và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4. Được biết, trong tháng 4 này, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cũng sẽ tiến hành kiểm tra với 20-30 dự án đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai hoặc có diện tích đất để hoang kéo dài.