“Sổ đỏ” cấp chồng lên “sổ đỏ” làm nảy sinh đất thuộc diện tranh chấp. Trong khi tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm thì UBND huyện Chư Prong (tỉnh Gia Lai) lại cấp giấy phép xây dựng trên diện tích đất đang tranh chấp khiến người dân khiếu kiện.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
“Sổ đỏ” chồng nhau, vẫn cấp phép xây dựng
Năm 2008, bà Ksor H’Mai (trú tại thị trấn Chư Prong, huyện Chư Prong, tỉnh Gia Lai) mua mảnh đất (bên cạnh đất nhà mình) của ông Lê Thượng Đại. Mảnh đất được chuyển nhượng có số chứng nhận quyền sử dụng đất AL 763996, cấp ngày 4/5/2005, diện tích 100 m2 (20x5m).
Trong một diễn biến khác, tháng 9/2006, ông Nguyễn Đăng Thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 100m2 đất. Lô đất này nằm giáp bên lô đất mà bà H’Mai mua của ông Đại.
Rắc rối nảy sinh từ đây, khi cán bộ địa chính đo đạc thế nào mà hai “sổ đỏ” nêu trên lại có một phần đất thuộc quyền sử dụng của cả ông Thành lẫn bà Ksor Mai.
Tháng 6/2012, bà H’Mai xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Để xác định địa giới của mình theo đúng “sổ đỏ” được cấp, bà H’Mai đã xây dựng hàng rào tạm giáp ranh với lô đất của ông Thành.
Ngày 20/4/2014, trong lúc gia đình bà H’Mai đi vắng, hàng rào tạm này bất ngờ bị người lạ phá dỡ. Nghi ngờ việc này có liên quan đến hàng xóm, ngay trong ngày, bà H’Mai đã làm đơn gửi UBND thị trấn Chư Prong, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND huyện Chư Prong đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải việc cắm mốc ranh giới địa chính giữa hai bên gia đình.
Nào ngờ trong khi cơ quan chức năng chưa trả lời bà H’Mai thì ngày 21/4/2014, UBND huyện đã cấp Giấy phép xây dựng số 23/GP-XD cho phép ông Nguyễn Đăng Thành xây dựng nhà trên mảnh đất có phần đất đang thuộc diện tranh chấp.
Hai việc khác nhau
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Tiến Tạo, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prong. Ông Tạo nói về hai “sổ đỏ” của bà H’Mai và ông Thành như sau: “Hiện tại cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều hợp pháp nên cả hai bên cùng đúng. Thực tế bây giờ sau khi cấp giấy phép xây dựng cho hộ ông Thành thì diện tích của bà H’Mai sẽ thiếu. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh lại lộ giới xây dựng của đường từ 11,25 mét xuống còn 8,5 mét thì số đất của bà H’Mai vẫn được đủ so với “sổ đỏ”...”.
Qua tìm hiểu được biết, trong biên bản làm việc ngày 7/5/2014 giữa đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prong với bà Ksor H’Mai, cơ quan này đã căn cứ vào Quyết định số 73/2006/QĐ-UBND ngày 18/9/2006 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn đến năm 2020. Theo đó, chỉ giới xây dựng được điều chỉnh từ 11,25 mét (quy hoạch năm 1996) xuống còn 8,5 mét (năm 2006). Với sự điều chỉnh đó, bà H’Mai sẽ được hưởng lợi do diện tích đất của mình được tăng lên.
Tuy nhiên, diện tích đất mà bà H’Mai đang tranh chấp với ông Thành thuộc lô đất nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, còn phần đất được UBND tỉnh điều chỉnh lại nằm trên đường Lê Hồng Phong. Vì thế bà H’Mai cho rằng việc đất của bà bị hụt đi do “sổ đỏ” cấp chồng nhau và việc đất của bà được tăng lên nhờ sự điều chỉnh quy hoạch là hai việc không liên quan đến nhau.
Bình luận nực cười
Về việc UBND huyện Chư Prong cấp giấy phép xây dựng cho diện tích đất có phần đất đang tranh chấp, ông Trần Như Thông, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện này cho biết: “Chúng tôi cấp giấy phép xây dựng căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có “sổ đỏ” thì cấp giấy phép xây dựng thôi”.
Cùng với đó, ông Thông đưa ra bình luận: “Chả có lý do gì mà bà H’Mai khi xây dựng nhà lại không xây hết đất của mình mà để lại phần đất giáp phía ông Thành”.
Chưa hết, ông Thông còn nhắn gửi: Nếu bà H’Mai mà “căng” lên, huyện có thể thu hồi đất và cấp cho bà một vị trí đất khác vì đất do nhà nước giao thì cũng có thể thu hồi, hoặc có thể bồi thường tiền cho cô ấy tương đương với vị trí đất cô ấy bị mất.
Cách nói của ông Thông dễ khiến người ta hiểu theo nghĩa: Người dân dù đã được cấp “sổ đỏ” nhưng nếu muốn giữ đất thì vẫn phải xây dựng cho hết diện tích đất của mình? Nếu vậy thì thật nực cười./.