Doanh nghiệp địa ốc kể khổ mùa đại dịch
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh tới nền kinh tế Việt Nam. Hầu hết, các nhóm ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó bất động sản là một trong những nhóm ngành bị thiệt hại nặng nhất.
Trong năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều bị thiệt hại do đại dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đức Anh
Trao đổi với PV báo Dân trí, lãnh đạo của một doanh nghiệp bất động sản tiết lộ: Trong suốt 2 quý đầu năm 2020, tổng khối lượng giao dịch chỉ bằng 1/3, lợi nhuận giảm sâu, chỉ bằng 37% so với năm trước. Tới quý III/2020, dịch bệnh tiếp tục bùng phát lần thứ 2, kèm theo đó là tháng 7 âm lịch, khiến doanh nghiệp chìm sâu vào khủng hoảng.
"Bắt đầu từ tháng 10, thị trường bắt đầu ấm dần lên, lợi nhuận của chúng tôi cũng được cải thiện đôi chút. Hiện tại, chỉ còn hơn 1 tuần lễ nữa là kết thúc năm 2020, dự kiến, lợi nhuận của công ty sẽ giảm 200 - 300 tỷ đồng, giảm tương đương 20 - 25% so với năm 2019", vị lãnh đạo này cho biết.
Lãnh đạo của doanh nghiệp này nhìn nhận, với tình hình khó khăn như hiện nay, dự kiến phải đến năm giữa năm 2021, doanh nghiệp mới có thể hồi phục trở lại như thời điểm cuối năm 2019.
"Trong trường hợp xấu, như dịch bệnh kéo dài, hoặc cơ chế, chính sách chưa thực sự cởi mở, sự hồi phục này có thể kéo dài tới năm 2022", người này khẳng định.
Theo Số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính tới hết tháng 8/2020, bất động sản là nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cao nhất với 620 doanh nghiệp, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhóm ngành kinh doanh, môi giới bất động sản cũng có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động rất cao, với 923 doanh nghiệp, tăng 136% so với năm ngoái.
Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn do các doanh nghiệp đầu tư và quản lý vận hành hiện có tỷ lệ giảm sút lên đến gần 90%, khi phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất do tác động của dịch Covid-19.
Ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HNX, doanh thu và lợi nhuận đều giảm bình quân từ 20% - 50% so với năm 2019. Cá biệt, có doanh nghiệp có tổng lợi nhuận sau thuế giảm tới 70% so với năm trước.
Trong quý II/2020, bất động sản là nhóm ngành có tổng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất, giảm từ 634,3 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2019) xuống còn 130,7 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2020), tương đương 79,4%.
Nhà đầu tư "thắng lớn" nhờ đất nền vùng ven
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều bị thiệt hại do đại dịch Covid-19. Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư cá nhân lại "thắng lớn" khi đặt niềm tin vào đất nền vùng ven.
Với thị trường Hà Nội, đất nền ở các khu vực vùng ven như: Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng và Gia Lâm đang tăng nhanh, mức tăng dao động từ 5% - 50% so với cuối năm 2019.
Nhà đầu tư "thắng lớn" nhờ đất nền vùng ven. Trong ảnh là KĐT xanh Ecopark phía Đông Hà Nội
Với thị trường phía Bắc, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Bắc Giang đang dẫn đầu với tốc độ tăng giá đất nền, với tỷ lệ tăng giá dao động từ 15% - 200%. Thậm chí, tại Bắc Ninh, có 90% là đầu cơ, nên thị trường có nguy cơ xảy ra các "cơn sốt" đất ảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó lường.
Còn tại TPHCM, nhờ ăn theo đề án xây dựng thành phố Thủ Đức, nên đất nền tại các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đang tăng giá từng ngày. Mức tăng khoảng 10% - 20% so với cuối năm 2019.
Với thị trường phía Nam, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là 4 tỉnh có tốc độ tăng giá đất nền nhanh nhất. Đặc biệt, đất nền xung quanh dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang tăng "nóng", với tốc độ tăng giá xấp xỉ 45% so với cuối năm 2019.
Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đất nền vùng ven vẫn tăng mạnh, giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn, với lợi nhuận ròng lên tới hàng tỷ đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: