Ảnh minh họa |
Những năm qua, Đà Nẵng thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án, với diện tích hơn 17.500ha. Trong đó, 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD. Chuyển mục đích trên 500ha đất quốc phòng để thực hiện 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để cùng quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở nên văn minh, hiện đại. Từ năm 2003 đến nay, nguồn thu từ đất của Đà Nẵng khoảng trên 20.000 tỷ đồng, phục vụ kịp thời cho đầu tư phát triển.
Tỷ lệ cấp GCN quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở trên 95% diện tích đất cần cấp GCN. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai. Qua đó, kiến nghị thu hồi hơn 82.000m2 đất; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 206 triệu đồng; giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai; 972/998 đơn khiếu nại; 19/19 đơn tố cáo và 52/52 đơn đòi lại đất cũ.
Tại buổi tổng kết công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn từ khi thực hiện Luật Đất đai (2003), ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng khẳng định: Công tác quản lý đất đai trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp, thuộc loại tốt nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: tình trạng xây dựng nhà trái phép trong khu quy hoạch, trên đất nông nghiệp; giao đất, chuyển đổi mục đích còn tuỳ tiện; một số trường hợp đền bù còn chưa thoả đáng; cấp GCN quyền sử dụng đất sai quy định, đơn cử như tại địa bàn Hoà Vang phải hủy hơn 1.000 sổ đỏ.
Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất. Trong công tác này cũng đặt ra các nhiệm vụ có tính đột phá như: lập Chi cục Quản lý đất; thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng cải cách hành chính từ mô hình một cửa.
Ông Thanh nhìn nhận: Bộ máy phải khỏe mạnh, chuyên nghiệp thì mới đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, bổ sung biên chế, hợp đồng lao động, điều động cán bộ cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Bộ máy quản lý đất được cơ cấu thành lập theo Chi cục hoạt động ngành dọc dưới sự điều hành của giám đốc sở. Trước mắt, công tác quản lý và sử dụng đất nhanh chóng được lập bản đồ số hóa với việc quy hoạch tổng thể và chi tiết việc sử dụng đất; phải chỉ ra được đâu là đất ở ổn định, khu vực sẽ giải tỏa, khu vực chuẩn bị giải tỏa.
Bước đột phá trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất được thống nhất triển khai theo phương án quy về một đầu mối tại Sở Tài nguyên và Môi trường với nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, đo đạc thực tế... Sau đó, chuyển đến UBND thành phố ký cấp, thời gian quy định cấp sổ đỏ trong vòng 15 ngày làm việc...
Để hạn chế những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất, ông Thanh cho rằng: Việc tách thửa căn cứ theo quy định hạn mức sử dụng đất; xem xét theo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân nhưng linh hoạt và không để xảy ra tình trạng tách thửa quá nhỏ gây nên tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo; ngăn chặn việc tách thửa để trục lợi về chính sách đền bù giải tỏa.
Đối với công tác thu hồi, đền bù giải tỏa, giao UBND thành phố sửa đổi, bổ sung các quy định về đền bù, giải tỏa và tái định cư. Khi thực hiện quy hoạch giải tỏa phải có ngay phương án tái định cư trên cơ sở giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó. Xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không bố trí đất tái định cư sau giải tỏa. Trong thời hạn 3 ngày, các quyết định về thu hồi đất hay quy hoạch phải chuyển đến chính quyền cơ sở. Để chống tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, chủ tịch UBND các xã/phường phải chịu trách nhiệm, nghiêm cấm xây dựng trái phép trên đất công, đất nông - lâm nghiệp, mặt nước…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: