Rục rịch triển khai từ năm 1997 đến nay đã gần 20 năm, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án (D.A) đường bao quanh hồ Linh Đàm giai đoạn 1 (gọi tắt là D.A đường hồ Linh Đàm) vẫn “tắc”. Chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD) và quận Hoàng Mai có trách nhiệm không nhỏ trong việc để D.A kéo dài.
Việc GPMB D.A đường hồ Linh Đàm đang bị “tắc”. Ảnh: H.O
Theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 8/6/1994), Công ty Phát triển nhà và Đô thị (nay là HUD) được giao 184,09 ha đất tại khu vực hồ Linh Đàm thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) để thực hiện chức năng chủ đầu tư D.A hồ Linh Đàm do UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Thời gian xây dựng của D.A được giao đất là 10 năm (kể từ năm 1994) trong D.A chung này có D.A đường hồ Linh Đàm.
Kể từ khi được giao đất, đến khoảng thời gian năm 1997, D.A đường hồ Linh Đàm mới rục rịch được triển khai công tác GPMB. Mặc dù chỉ có vài chục hộ dân, thế nhưng việc GPMB bị “dậm chân tại chỗ” nhiều năm không thực hiện được.
Một cán bộ địa phương (xin được giấu tên) cho biết, D.A đường hồ Linh Đàm đến nay đã kéo dài tới 17 - 18 năm, lý do chủ yếu đến từ việc các hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư không quyết liệt trong việc triển khai. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cứ đến gần cuối năm là D.A lại được xới xáo lên ở khâu tiếp tục GPMB, qua năm thì lại không thấy triển khai nữa.
Để tìm hiểu rõ thông tin, chúng tôi đã liên hệ với HUD và được bố trí lịch làm việc với Ban Quản lý D.A 2. Lãnh đạo Phòng Hành chính tổng hợp của Ban này xác nhận thông tin theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ (năm 1994) thì D.A đường hồ Linh Đàm đã hết thời gian xây dựng. Thế nhưng, khi có vướng mắc về công tác GPMB, HUD đã báo cáo Bộ Xây dựng và các cấp có thẩm quyền cho phép D.A tiếp tục triển khai.
Tại cuộc làm việc, vị này không cung cấp được các hồ sơ giấy tờ liên quan về việc được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai D.A cũng như quyết định thu hồi đất với các hộ dân nằm trong vùng D.A. Đây là một trong những thắc mắc và bức xúc của các hộ dân cho rằng, thông tin của D.A là không minh bạch.
Liên quan đến công tác GPMB của D.A, đại diện Ban Quản lý D.A 2 cung cấp Văn bản 924 (ngày 6/4/2016) gửi Sở Giao thông Vận tải, trong nội dung thông tin về công tác giao đất và GPMB có nêu rõ: “Tuyến đường giao thông hồ Linh Đàm là tuyến đường có tên Nguyễn Hữu Thọ từ khu nhà ở Bắc Linh Đàm đến đường Giải Phóng là 1.100m, được triển khai thi công từ năm 1997 và đưa vào sử dụng khoảng 900m từ năm 2000, còn lại 200m đến nay vẫn đang trong quá trình GPMB (diện tích khoảng 4.000m2 của 8 hộ gia đình)... công tác GPMB gặp nhiều khó khăn phải dừng thi công”.
Trước đó gần 2 năm (ngày 29/8/2014), UBND quận Hoàng Mai đã ban hành Văn bản 1279 nêu rõ kiến nghị chung của nhân dân về các văn bản pháp lý, quy hoạch D.A: “Quyết định 304/TTg không phải là quyết định thu hồi đất của các hộ; thời hạn triển khai theo quyết định trên là 10 năm đến nay đã hết hạn; UBND TP giao đất không có quyết định thu hồi đất mà bằng văn bản là không đúng quy định. Đồng thời, kiến nghị chỉ giới đường đến đâu thì thu hồi đến đó, phần diện tích còn lại để cho các hộ dân hợp thức hóa sử dụng làm đất ở”...
UBND quận Hoàng Mai cũng đánh giá, các hộ dân sinh sống ổn định từ trước luật đất đai 1993, có hộ sinh sống từ năm 1976 đến nay, sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ chính sách, luật đất đai thay đổi, việc quản lý của Nhà nước các thời kỳ trước đây còn chưa chặt chẽ nên các hộ dân sử dụng đất và tách cho con cái ở riêng ổn định không có tranh chấp, có khuôn viên riêng. Các hộ gia đình đều ăn ở tại địa chỉ GPMB và rất khó khăn trong việc sinh hoạt do không được xây dựng và cải tạo, sửa chữa do nằm trong quy hoạch.
“Để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn tại D.A kéo dài nhiều năm, UBND quận Hoàng Mai kính đề nghị đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch TP sớm xem xét chỉ đạo kiểm tra hiện trạng, kiểm tra tình hình thực tế sử dụng đất của các hộ để quyết định cụ thể chính sách bồi thường, hỗ trợ đặc thù cho các hộ dân khu vực Cầu Tiên theo Văn bản số 1602/UBND-BBT, Văn bản 252/UBND-BBT của UBND quận Hoàng Mai” - văn bản của UBND quận Hoàng Mai nêu rõ.
Sau đề nghị giải quyết dứt điểm từ năm 2014 nói trên của quận Hoàng Mai, đến thời điểm này đã 2 năm, UBND quận Hoàng Mai vẫn còn đang “loay hoay” với bản “dự thảo tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện D.A hồ Linh Đàm (khu vực Cầu Tiên)”. Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý D.A 2 thì thừa nhận có trường hợp đã đồng ý phương án bồi thường GPMB rồi nhưng chưa bố trí được đất tái định cư nên sau 1 thời gian đi thuê nhà ở (theo tiền hỗ trợ của chủ đầu tư) đã quay về nhà cũ trong vùng D.A để ở.
Với sự thiếu quyết liệt trong công tác GPMB như trên, rõ ràng việc D.A kéo dài tới gần 20 năm không làm xong khâu GPMB là có trách nhiệm không nhỏ của HUD và UBND quận Hoàng Mai. Việc “dậm chân tại chỗ” của D.A còn tiếp tục đến bao giờ, câu trả lời rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội.