Ngày 1.12 Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc cử tri quận 2. Tham gia tiếp xúc cử tri gồm các đại biểu Quốc hội: bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TP.HCM…
Cử tri Nguyễn Thị Dung (phường An Lợi Đông) phát biểu: "Dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm như không thực hiện được, nhiều người phải đi thuê nhà. Hiện đất tại 160ha của khu tái định cư đã được giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án, bán với giá cao ngất ngưởng người dân muốn quay lại mua không đủ tiền. Vậy giờ có khu tái định cư hay không? Có hay không có phải báo cho dân biết".
Cử tri Nguyễn Thị Dung đặt câu hỏi: Khu đô thị mới Thủ Thiêm có khu tái định cư hay không? Ảnh: Quang Phương.
Tiếp lời ý kiến của của bà Dung, bà Nguyễn Thị Tám, một người có nhà, đất nằm tại 5 khu phố thuộc 3 phường, trình bày: "Hiện chưa có cơ quan nào trả lời rằng nhà, đất chúng tôi nằm ngoài ranh hay trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tết sắp đến, chúng tôi không biết đến khi nào mới biết là đất, nhà của chúng tôi đã bị cưỡng chế giải tỏa là nằm trong ranh hay ngoài ranh? Việc sáp nhập 3 quận thành Thành phố Thủ Đức khi chưa giải quyết quyền lợi cho chúng tôi là không hợp lý. Mai mốt sáp nhập xong thì chúng tôi đi đâu để đòi nhà, đất của chúng tôi? Vì Thành phố Thủ Đức đâu phải là người đã giải tỏa nhà, đất của chúng tôi", cử tri Tám nói.
Còn cử tri Lê Thị Bảy (phường An Lợi Đông) đặt câu hỏi: Tại sao đến giờ phút này vẫn chưa giải quyết chính sách tái định cư cho người dân?
"Nhà tôi đã bị cưỡng chế 10 năm rồi, đến giờ phút này vẫn chưa được bồi thường tái định cư? Trong khi đó khu tái định cư đã được Thủ tướng phê duyệt 160ha, tại sao chúng tôi không được vào đó tái định cư? Nếu không có chỗ tái định cư thì đề nghị phải trả nhà, đất lại cho chúng tôi như cũ!", bà Bảy yêu cầu.
Cử tri Trần Thị Mỹ (79 tuổi) ý kiến: "Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt 160ha tái định cư KĐTM Thủ Thiêm. Đó là một quyết định nhân văn bởi chúng tôi sẽ trở thành cư dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được hưởng những lợi ích từ khu đô thị này mang lại. Nhưng đến nay khu tái định cư này dân không được ở".
Từ đó bà Mỹ góp ý: "Kết luận Thanh tra đã có, đã chỉ ra những sai phạm rồi. Vậy UBND TP.HCM cần thành tâm sửa sai. Người dân không được giải quyết quyền lợi nên khiếu nại hết cấp này đến cấp khác rồi cuối cùng cũng về UBND TP.HCM. Việc khiếu nại bồi thường của dân cần giải quyết theo thứ tự. Đền bù cho dân phải có chính sách chứ không cào bằng".
Người dân tiếp tục trưng các bản đồ để chứng minh nhà, đất của họ nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Phương.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tấn Cứu (phường An Phú) trình bày: "Qua các lần tiếp xúc với chúng tôi, đại diện Thanh tra Chính phủ nói không tìm thấy bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt ban hành theo Quyết định 367 năm 1996. Tại sao bản đồ này không tìm thấy? Lẽ ra phải căn cứ vào bản đồ quy hoạch đó để xác định là nhà, đất tại 5 khu phố 3 thuộc phường nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch".
Trước vấn đề bức xúc của người dân về vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một cử tri tên Quang đã đề nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội rằng: "Ủy ban pháp luật Quốc hội cần phải có tiếng nói về xung đột giữa dân và Nhà nước. Vì sao 24 năm qua Ủy ban pháp luật Quốc hội không tổ chức xem xét các văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến Thủ Thiêm, để dân phải khiếu nại tố cáo nhiều năm nay. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị lên Ủy pháp luật Quốc hội tổ chức đối thoại với người dân chúng tôi".
Đáp lời các cử tri quận 2, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: "Vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài nhiều năm qua và trải qua nhiều đời lãnh đạo của TP.HCM. Vấn đề khó ở đây là pháp lý. Đúng hay sai là ở pháp lý. TP.HCM đang cố gắng xử lý vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm. Tuy nhiên quá trình xử lý diễn ra chậm do có sự chưa thống nhất giữa người dân và UBND TP.HCM".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: