Theo quan điểm của TS.Võ Trí Thành, với câu chuyện tái cấu trúc, yêu cầu đầu tiên là về mặt tài chính, sau đó gắn với chiến lược kinh doanh.
PGBank đang hoàn tất thủ tục cuối cùng để chuẩn bị về chung một nhà với HDBank. Ngoài ra một vài NH cũng đang ngó nghiêng để tìm mái nhà mới cho mình. Liệu đây là cú hích cho thị trường mua bán sáp nhập (M&A) NH vốn đang trầm lắng trong thời gian qua.
Phóng viên có cuộc trao đổi nhanh với TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia xoay quanh chủ đề này.
Đâu là lý do gần đây M&A NH lại trùng xuống, thưa ông?
Theo tôi, có ba lý do M&A trùng xuống. Một là quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cũng gặp khó khăn nhất định như thay đổi bộ máy con người tại các NH, xử lý những đại án liên quan đến NH cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý NĐT. Hai là, việc nới room NĐT ngoại vẫn chưa được thông qua nên việc tìm đối tác chiến lược còn khó khăn. Ba là, có thể bản thân NH nhìn nhận lại chiến lược, tính toán hơn đối với vấn đề này.
Theo ông, thời điểm này, khả năng thành công của các thương vụ M&A có cao hơn?
So với mấy năm trước tôi nghĩ rằng khả năng thành công cao hơn. Bởi “sức khỏe” NH tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện… chắc chắn các NĐT quan tâm nhiều hơn. Bản thân các NH do áp lực tăng vốn để đảm bảo đáp ứng các quy định theo Basel II cũng chủ động hơn trong việc tìm kiếm đối tác sáp nhập. Tuy nhiên, đối với DN hay NH, M&A không bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Đặc biệt là về cách thức quản trị, tính toán chiến lược thâu tóm đến mức nào, văn hóa kinh doanh có phù hợp với con người hiện có hay không… Những yếu tố này quyết định rất lớn đến sự thành hay bại đối với M&A. Trong thực tế cũng vậy, không phải cuộc hôn nhân nào cũng thành công.
Có một số nguyên tắc theo tôi đảm bảo khả năng thành công cao hơn đó là hai bên phải sẵn sàng chơi ở mức độ nào đó, phải thực sự rất hiểu nhau. Muốn vậy, vấn đề trao đổi thông tin phải chính xác. Hai là mục đích từ đầu phải minh bạch và thực hiện đúng cam kết. Chẳng hạn nếu NH đang cần vốn để phục vụ cho mục tiêu tăng vốn chủ sở hữu… thì họ có thể bán toàn bộ cổ phần. Còn NH vẫn muốn khai thác mảng kinh doanh này, nhưng lại muốn rút ra một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực khác hoặc muốn học hỏi thêm kinh nghiệm đối tác ngoại thì phương án mà họ lựa chọn là bán một phần.
Từ những trường hợp đã thành công trong thời gian qua, theo ông M&A NH bắt buộc hay tự nguyện dễ thực hiện hơn?
Trong trường hợp nào cũng vậy, đều cần phải hội tụ đủ các điều kiện, nhưng quan trọng là có người dẫn dắt. Ngay vụ M&A đầu tiên giữa 3 NH, NHNN phải cử người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhất là quản trị rủi ro từ một NHTM lớn sang hỗ trợ. Bên cạnh đó, quan trọng không kém đó là tình hình tài chính nội tại của các NH đó cần phải “phơi bày”. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo mới sẽ đưa ra được chiến lược phù hợp cho NH sau sáp nhập.
Theo quan điểm của tôi, với câu chuyện tái cấu trúc, yêu cầu đầu tiên là về mặt tài chính, sau đó gắn với chiến lược kinh doanh. Hiện NHNN vẫn đang chủ trương khuyến khích các NH nhỏ sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh. Theo tôi chủ trương đúng. Nhưng theo tôi, hoạt động M&A trong lĩnh vực NH thường chậm hơn bởi tính nhạy cảm chính trị, quy mô vốn lớn, liên quan đến những vấn đề tồn đọng nợ xấu... không hề dễ dàng giải quyết và tìm được tiếng nói chung. Nói chung, để một thương vụ M&A trong lĩnh vực NH thành công thì cũng cần phải có thời gian dài hơn so với các lĩnh vực khác mới có thể đánh giá được là thương vụ đó đã thực sự thành công hay chưa.
Liệu thương vụ M&A giữa HDBank và PGBank có tạo cú hích cho thị trường?
Chắc chắn là có, nhưng như nói ở trên cả hai NH cần có thời gian để hòa nhập. Bởi có rất nhiều vấn đề phức tạp mà các NH phải giải quyết thời hậu M&A.
Xin cảm ơn ông!