Số lượng ít
Nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh. Images: THÁI SAN
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện trong các khu công nghiệp (KCN) có khoảng 1,6 triệu công nhân lao động. Trong đó chỉ mới 20% số người có chỗ ở ổn định. Đa số công nhân phải thuê nhà trọ ở ngoài với giá cao, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Ông Vũ Hồng Quang, Phó Ban Chính sách và Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, các địa phương đã đăng ký 110 dự án cho giai đoạn 2010 - 2015, nhưng mới triển khai 27 dự án. Nếu 27 dự án này hoàn thành, cũng chỉ mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 130.000 lao động, chiếm 13% số lao động tại các KCN có nhu cầu. Nhưng đến nay, mới có 9 dự án hoàn thành, các dự án còn lại không biết đến bao giờ mới triển khai xong, vì gặp quá nhiều khó khăn về quỹ đất, thiếu vốn, thiếu chính sách hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Vũ Hồng Quang phân tích, tại Hà Nội, trong số 110.000 lao động đang làm việc ở các KCN - KCX, cũng có hơn 60% công nhân lao động ngoại tỉnh thiếu chỗ ở. Nhưng mới chỉ có ba dự án tại xã Kim Chung (huyện Ðông Anh), tại KCN Bắc Phú Cát (huyện Thạch Thất) và KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đang xây dựng, với 2.245 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 242.280m2, đáp ứng chỗ ở cho hơn 16.300 người.
Chị Trần Thị Thắm (KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: Không phải công ty nào cũng thuê cho công nhân ở, công ty tôi cũng vậy, nên tôi phải thuê nhà trọ 800.000 đồng/tháng ở ngoài. Mỗi dịp tôi đến chơi với bạn thuê trong khu nhà ở Kim Chung, thì thấy còn quá "khép kín". Tôi và những người thuê ở đây rất muốn có thêm nhiều khu nhà ở cho công nhân, nhưng hy vọng rằng sẽ có đủ những thứ tối thiểu khác như trường học, khu vui chơi. Lúc đó, công nhân cũng yên tâm hơn, gắn bó hơn.
Chất lượng chưa đảm bảo
Tại Hà Nội, nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung có mức giá thuê phòng chỉ bằng 1/4 so với thuê trọ cùng thời điểm, đây là một điều rất mừng cho người lao động. Nhưng sau 3 năm đi vào sử dụng, cũng nảy sinh không ít bất cập về chất lượng nhà.
Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, nhiều công nhân phản ánh, dù mới đưa vào sử dụng, nhưng đã có tình trạng thấm dột, tắc hỏng các khu vệ sinh xảy ra phổ biến, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người lao động. Mặc dù công ty, rồi công đoàn kiến nghị nhiều lần với Ban quản lý khu nhà, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy sửa chữa, cải tạo. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ cũng đang gây khó khăn cho công nhân sống tại đây.
Cùng với đó, những khu nhà mới chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, còn những nhu cầu khác thiết thực hơn với công nhân lại chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đúng mức như chợ, nhà trẻ, trường mẫu giáo, công viên, sân thể thao... Một vấn đề cần đáng quan tâm hơn nữa, ở đây, thiếu căn hộ dành cho hộ gia đình. Trong khi đó, hầu hết công nhân đều ở tuổi từ 18 - 26, nên hiện có ít nhất 3.000 gia đình công nhân trẻ đang phải thuê trọ trong những căn hộ chưa đến 10m2.
Thực tế trên cũng đã được lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội và đại diện Ban quản lý khu chung cư dành cho công nhân thừa nhận. Ông Bùi Minh Tuân, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội - đơn vị quản lý các tòa nhà cho công nhân thuê tại Kim Chung, cho hay, sở dĩ có hiện tượng thấm, dột là do kỹ thuật đấu nối tại khu vệ sinh không đảm bảo. "Xí nghiệp đã phản ánh tới chủ đầu tư để sửa chữa, chứ Xí nghiệp không thể tự tiến hành sửa chữa trực tiếp (do đang trong giai đoạn bảo hành, chủ đầu tư chưa bàn giao nên việc sửa chữa chậm cũng xuất phát từ nguyên nhân này). Còn việc "vắng bóng" các dịch vụ hỗ trợ đi kèm khi các đơn nguyên nhà đã đi vào hoạt động, không phải là không có mà do được quy hoạch, thiết kế và đầu tư ở giai đoạn 2" - ông Tuân bộc bạch.
Ông Vũ Hồng Quang cho rằng, để hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho công nhân, Nhà nước phải đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm phát triển nhà xã hội. Tuy nhiên, điều nhiều người lao động mong muốn là những khu nhà ấy khi đưa vào sử dụng, phải thực sự là "tổ ấm" của người lao động, không đơn thuần chỉ là một chỗ ở tạm.
Một trong những vấn đề cốt lõi khiến công nhân không có nhà ở là do doanh nghiệp sử dụng lao động thiếu quan tâm, trong khi đó doanh nghiệp kinh doanh, phát triển bất động sản chỉ chăm chăm kinh doanh nhà thương mại để kiếm lời. Sắp tới, Nhà nước sẽ có biện pháp cụ thể vừa khuyến khích, vừa bắt buộc doanh nghiệp lớn có sử dụng nhiều lao động phải xây nhà cho công nhân. Ông Trịnh Đình Dũng Bộ trưởng Bộ Xây dựng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: