GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường
Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ tín dụng được triển khai hơn 1 năm qua?
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay gói hỗ trợ tín dụng này mới giải ngân được 10%, trong tổng số cam kết giải ngân là 20%. Nếu so với tháng 6-2013 thì tiến độ tăng lên khá cao, gần như gấp đôi. Có thể thấy một số vướng mắc đã được giải quyết. Đặc biệt là Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21-8-2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP... đã có một số đổi mới. Tuy nhiên, những đổi mới này chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa tạo ra được hiệu quả trong cuộc sống. Nếu chúng ta tiếp tục đưa những yếu tố đổi mới của Nghị quyết vào áp dụng thì tương lai tốc độ giải ngân sẽ tăng hơn nhiều. Nhưng điều khó khăn nhất chúng ta vẫn chưa làm được, chưa động được tới cái “chốt” của gói 30.000 tỷ, đó là làm thế nào để cho người thu nhập thấp vay được tiền.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến hạn chế này?
Cái khó nằm ở “cửa” ngân hàng. Mặc dù Bộ Xây dựng tích cực tìm nhiều cách, đưa ra nhiều cơ chế tháo gỡ nhưng cái “chốt” vẫn là ở các NH. Trước hết, nhiều NH vẫn chưa có tính mục tiêu trong triển khai, tức là có triển khai, nhưng trường hợp nào “chắc ăn” thì cho vay, trường hợp nào khó khăn thì thôi. Điều này chứng tỏ các NH chưa thực sự nhiệt tình. Cũng có những NH đẩy được tiến độ giải ngân lên so với các NH khác, nhưng trên tinh thần không mặn mà với gói hỗ trợ này. Có lẽ vì nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc do NH thích cho vay những khoản lớn hơn là cho vay lẻ tẻ. Điều này xuất phát từ tư duy của lãnh đạo NH, ở chỗ anh có xác định nghĩa vụ an sinh xã hội của mình hay không, hay anh chỉ tập trung vào chuyện kinh doanh? Tôi cho rằng các lãnh đạo NH cần “xốc” lại tư tưởng ở chỗ này. Như vậy, cần có cơ chế để có thể đảm bảo các khoản vay không rơi vào nợ xấu, nhưng không quá khắt khe trong việc bắt người vay tiền phải giải trình khả năng trả nợ. Tôi cho rằng điều này còn lớn hơn câu chuyện trách nhiệm xã hội, vì đây là cơ chế để thoát khỏi cách thức cho vay bình thường mà các NH vẫn làm.
Gần đây có thông tin cho biết ngân hàng đang dự kiến đưa ra những giải pháp liên quan đến tài chính để gỡ khó cho BĐS. Trong khi gói 30.000 tỷ đồng đang được cho là kém hiệu quả thì theo ông, có cần thiết phải có thêm gói hỗ trợ mới không?
Giả sử có đề xuất này, theo tôi mỗi gói hỗ trợ có mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Nếu gói 30.000 tỷ hướng vào việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp thì gói hỗ trợ tín dụng mới hướng vào giải phóng kho BĐS tồn đọng, hỗ trợ cho người có thu nhập khá để họ có thể tính đến chuyện mua được BĐS trung vào cao cấp. Vậy liệu gói hỗ trợ thứ hai này có đụng được đến kho BĐS đang tồn đọng hay không? Tôi cho rằng có thể, nhưng không nhiều. Vì kho BĐS tồn đọng kia có bao nhiêu căn có thể ở được? Nếu rà soát lại có thể thấy cái khó không phải người ta không muốn mua vì giá cao, mà là mua xong không ở được. Rất nhiều dự án đang ở giữa đồng không mông quạnh, hầu hết các dự án không có hoặc còn thiếu cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, chợ, đường đi lối lại, khu vui chơi giải trí... Cần phân loại xem trong số kho BĐS tồn đọng, cái nào có thể bán được, cái nào phải tìm giải pháp khác.
Như vậy, về ý nghĩa, theo tôi gói hỗ trợ mới có ý nghĩa nhất định để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhưng hiệu quả sẽ không cao vì sẽ không thu hút được nhiều người vay. Hơn nữa, hiện nhiều NH cổ phần cũng đang có những gói cho vay mua BĐS với lãi suất ưu đãi, vì vậy gói hỗ trợ này với chủ trương tăng trưởng tín dụng của các NH thương mại đồng nghĩa với nhau, có cùng mục tiêu. Theo tôi, hãy cứ để gói hỗ trợ này triển khai, nếu có nhiều khó khăn, bất cập thì tự nó sẽ phải dừng lại. Có thể phía sau nó có nhiều lý do, nhưng dù sao nó cũng có mục đích tốt là góp phần giải cứu kho BĐS tồn đọng, giải tỏa cục máu đông.
Theo ông, để giải bài toán hỗ trợ thị trường BĐS, cần lưu ý vấn đề gì?
Thị trường BĐS có đặc thù riêng, như: Hút vốn nhiều, không chỉ là sự phát triển của thị trường mà còn là vấn đề an sinh xã hội. Do vậy, cần nâng cao mức độ chuyên nghiệp trong hoạch định chính sách. Quay lại với câu chuyện các gói tín dụng, thực ra nó cũng chỉ là một cách trợ giúp về năng lực tài chính, cần có những chính sách tạo điều kiện để người dân có thể tự lo được nhà ở mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng, phải trao cho người dân cái cần câu hơn là trao cho họ con cá. Đấy là cách tốt hơn rất nhiều là cách chúng ta bao cấp, cho cái này cái kia. Chưa kể trong quá trình đến được tay người được hỗ trợ còn nảy sinh tham nhũng. Riêng với gói 30.000 tỷ, chúng ta phải tìm cách gì để cải thiện thu nhập của người thu nhập thấp, đây là cái chốt cuối cùng mà chúng ta vẫn chưa có giải pháp, trong khi quốc tế có rất nhiều kinh nghiệm nhưng chúng ta chưa đặt vấn đề học tập cũng như việc đưa kinh nghiệm đó vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp.
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm NoiThatXhome.vn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: