Phối cảnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xác định nâng cao vai trò và vị trí của Cô Tô khi kết nối chặt chẽ với huyện Vân Đồn, TP Hạ Long, TP Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt, trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, lịch sử. Cùng với đó, Cô Tô thiên về nghỉ dưỡng cao cấp, nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, môi trường sinh thái; đồng thời là trung tâm hậu cần nghề cá, trung tâm cứu hộ - cứu nạn vùng Đông Bắc.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ cho xây dựng đồng bộ các chức năng thương mại, dịch vụ; văn hoá thể thao, vui chơi giải trí; các khu dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp... phục vụ các hoạt động du lịch phát triển dân cư, nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái trên địa bàn. Về mô hình phát triển không gian, tỉnh sẽ mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân, bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần. Riêng đảo Cô Tô con, không bố trí đất ở mà sử dụng một phần tổ chức không gian cho phát triển dịch vụ du lịch; 3 đảo phát triển 3 chức năng bổ trợ cho nhau. Tỉnh cũng chủ trương bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho các khu dân cư cũ, đầu tư đồng bộ hạ tầng cho các khu vực phát triển mới; lập quy hoạch tuyến cáp treo kết nối giữa đảo Cô Tô lớn với xã đảo Thanh Lân.
Nguyên tắc chung trong quy hoạch huyện Cô Tô là hạn chế tối đa việc xâm hại khu vực rừng tự nhiên; xác định không gian các vùng bảo tồn, vùng quân sự, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong bối cảnh phát triển mới của đảo. Vì vậy, trên tổng diện tích lập quy hoạch huyện đảo hơn 5.175ha thì diện tích lập quy hoạch trực tiếp là 1.500ha (không nghiên cứu vào đất rừng tự nhiên, hạn chế tối đa nghiên cứu quy hoạch vào đất quốc phòng).
Với quy hoạch này, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 Cô Tô đón khoảng 600.000 lượt khách và có 3.400 phòng lưu trú; đến năm 2040 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách và có 9.400 phòng lưu trú.
Đô thị Cô Tô nhìn từ biển. Ảnh: Phạm Học
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Quy hoạch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên cơ sở kế thừa định hướng của các quy hoạch cấp trên, định hướng mới của tỉnh, của huyện và sự quan tâm của một số nhà đầu tư lớn. Quy hoạch được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để huyện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ huyện Cô Tô, nhiệm kỳ 2020-2025 bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể của từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, là cơ sở triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo từng giai đoạn; thu hút dự án đầu tư đồng bộ, nhất là trong phát triển du lịch, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện.
UBND huyện đang hoàn tất các công việc để tổ chức công bố công khai quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, huy động vốn đầu tư thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điểm nhấn và quản lý xây dựng theo Đồ án quy hoạch được duyệt; tổ chức lập các đồ án quy hoạch các phân khu chức năng theo quy định. Đồng thời, thực hiện công tác xúc tiến thu hút đầu tư trên địa bàn.
Với những định hướng phát triển như quy hoạch được phê duyệt, huyện đảo Cô Tô sẽ sớm trở thành một tổ hợp dịch vụ du lịch biển đảo phát triển, phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, là một khu du lịch đẳng cấp với môi trường xanh, sinh thái hấp dẫn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: