Năm 2005, tôi đã có dịp đến thăm Phủ Thành Chương ở Sóc Sơn, Hà Nội. Xuất thân nông thôn, sinh ra và lớn lên ở một vùng "quê đặc" (nói theo nhận xét của vợ tôi lần đầu tiên về quê chồng), thế nhưng, tôi vẫn không khỏi xúc động được sống trong cảm giác trở về với cội nguồn văn hoá Bắc Bộ. Những công trình, những đồ vật được Thành Chương kỳ công sưu tầm, xây dựng, bài trí trong một tổng thể không gian văn hoá không thể hài hoà, hợp lý hơn. Nói không ngoa, dù có đào bới hết cả đồng bằng Bắc Bộ lên, bạn cũng không thể tìm được một địa chỉ văn hoá truyền thống nào có sức truyền cảm, lay động tâm tư hơn thế.
Tôi nhớ lúc đó chúng tôi chỉ gọi điện đến, xin chủ nhà cái hẹn, khi xe ô tô đến phải gọi cổng ầm ĩ thì mới có người ra mở cổng để khách vào tự tham quan, lúc ấy chưa có bán vé hay kinh doanh bất kỳ dịch vụ nào.
Thăm thú, chiêm ngưỡng cảnh vật ở Việt phủ Thành Chương, tôi mới thấy chúng ta đã đánh mất nhiều quá. Tốc độ xây dựng, phát triển, đập phá cộng với thói quen chạy theo mốt, hưởng thụ những điều kiện sinh hoạt hiện đại đã làm biến dạng hoàn toàn phong cảnh nông thôn.
Nếu cứ đà này thì thế hệ tương lai, thậm chí là chính chúng tôi, chẳng mấy mà mất hết ký ức về làng quê truyền thống, về những không gian đã từng lưu trữ, tiếp nối những giá trị Việt trong tâm hồn mỗi người.
Nhà hát Long Đình trong Việt Phủ Thành Chương (ảnh: Báo Đất Việt) |
Một anh xuất thân quê đặc như tôi còn bị thuyết phục hoàn toàn bởi giá trị văn hoá của Việt Phủ Thành Chương, huống chi là các nhà nghiên cứu, các lãnh đạo cấp cao và đặc biệt là bạn bè quốc tế, trong đó có rất nhiều vị được nước ta đón như quốc khách. Việt Phủ Thành Chương đã lưu lại nhiều lời hay ý đẹp, cảm xúc của du khách đã từng đến thăm nơi đây, chép hết ra đây cũng không có chỗ, thậm chí làm mất công của nhiều người. Tôi khuyên bạn, nếu có dịp đến Hà Nội thì hãy bớt chút thời gian đến thăm địa chỉ này.
Thế nên, khi Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kết luận đây là công trình xây dựng sai phép trên đất rừng, dư luận cũng có luồng ý kiến cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm, thậm chí phá hết đi, phục hồi nguyên trạng, thì vấn đề đã được đẩy lên thành rất nóng. Đây sẽ là một vụ vi phạm mà giải quyết sao cho thấu tình đạt lý là cực khó. Điều này thách thức năng lực thi hành pháp luật của các cơ quan, ban ngành có liên quan của Hà Nội.
Cá nhân tôi, cũng như nhiều bạn đọc có một vài thắc mắc.
Một công trình hoành tráng như vậy, xây dựng, hoàn thiện, thậm chí, có mở rộng trong bao nhiêu năm nay, nếu là vi phạm sao các cơ quan chức năng từ thôn, xã đến thành phố đều không biết, và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời?
Trong thời gian dài, công trình này đã trở nên nổi tiếng, được coi là một địa chỉ văn hoá của Thăng Long - Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm, nhiều vị khách sang trọng được mời đến đây, nhiều lãnh đạo thành phố cũng đã từng đến đây, thậm chí ca ngợi nó, chả lẽ không ai biết hoặc không có ai báo cáo họ rằng đó là một công trình phi pháp?
Cho nên để sự việc đến như thế này, bản thân hoạ sĩ Thành Chương có lỗi, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng có lỗi, thậm chí là lỗi to. Không chỉ có Việt Phủ Thành Chương, còn nhiều công trình dân dụng xây trên địa bàn Sóc Sơn cũng vi phạm như Thành Chương.
Đến bây giờ, vi phạm của Thành Chương ( theo luật) là rõ ràng, cần phải xử lý.
Lỗi của các cán bộ có trách nhiệm liên quan đến vụ việc này cũng là rõ ràng, cần phải xử lý tương xứng.
Tuy nhiên, giá trị văn hoá, du lịch của Việt Phủ Thành Chương cũng là rõ ràng, cần phải ghi nhận, bảo vệ.
Để xử lý vụ việc đã trở nên rùm beng này, tôi xin kiến nghị ba phương án.
Thứ nhất, phạt Thành Chương và rất nhiều công dân có công trình sai phạm khác trên đất Sóc Sơn rồi cho tồn tại, đi liền với đó là điều chỉnh qui hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất cả khu vực cho phù hợp với thực tiễn. Làm theo phương án này thì hoạ sĩ Thành Chương và nhiều hộ dân vi phạm khác sung sướng, Nhà nước giữ lại được một công trình văn hoá giá trị, luật pháp cũng được thực thi nhưng không phải là nghiêm minh lắm, thậm chí nó cũng khuyến khích các hành vi vi phạm đề đẩy thành sự đã rồi.
Phương án thứ hai là phá sạch các công trình vi phạm, trong đó có Việt Phủ Thành Chương, xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm. Làm theo cách này thì luật pháp được thượng tôn nhưng thiệt hại về kinh tế và văn hoá của Nhà nước và nhân dân là cực lớn. Nói cách khác, thấu lý mà không đạt tình. Không những thế, cần đầu tư một khoản tiền khổng lồ để biến cả khu vực này thành một khu đồi trọc, cây cối lưa thưa... y như cũ.
Phương án cuối cùng là chuyển Việt Phủ Thành Chương về gần Hà Nội để nhân dân và du khách quốc tế tiện tham quan.
Các bạn đều biết, hiện nay, quĩ đất Hà Nội còn nhiều, các khu đô thị, khu công nghiệp ở sát lách đô thị lõi còn nhiều đất trống, bỏ hoang hoá nhiều, thành phố Hà Nội nên bố trí một khu rộng tương tự Việt Phủ Thành Chương hiện hữu và buộc hoạ sĩ này di rời cả phủ về đấy theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Các ngân hàng của ta đã thừa vốn mà không giải ngân được cũng nên vào cuộc cho hoạ sĩ này vay tiền để thực hiện dự án. Phương án thu hồi vốn là tiền bán vé tham quan và các sản phẩm dịch vụ khác ăn theo địa chỉ văn hoá này. Tôi tin, với sức hấp dẫn của Việt Phủ Thành Chương, việc thu hồi vốn, thậm chí có lãi là không khó.
Làm theo phương án này sau khi đã xử phạt hành chính Thành Chương là khả thi, vừa giữ được kỷ cương, phép nước, vừa bảo vệ và giữ gìn được một công trình văn hoá đã được thừa nhận rộng rãi.
Nếu bạn đã đi có dịp sang Paris hay Bắc Kinh, đã từng mua vé vào bảo tàng Louvre hay Tử Cấm Thành, bạn sẽ thấy kinh doanh văn hoá không lỗ như đầu tư vào bất động sản hay đóng tàu thời gian qua đâu mà sợ.
Gia đình tôi vừa xây lại một cái nhà ở quê, vừa là chỗ đi về, vừa làm nơi thờ cúng tổ tiên. Trước khi xây nhà mới, mọi người đều quyến luyến ngôi nhà cũ do ông nội tôi xây cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy nó chẳng có giá trị thẩm mỹ là bao nhưng lại là nơi gắn bó với mấy thế hệ, anh em tôi cũng lớn lên ở đấy. Bây giờ mỗi lần đưa các con về quê, tôi lại thấy tiếc nuối, giá như trước khi phá cái nhà ấy đi mình chụp vài tấm ảnh hay giữ lại một vài kỷ vật thì giờ đây đã có thể chỉ cho các cháu xem về ngôi nhà mà bố mẹ, ông bà, các cụ đã ở. Bản thân tôi, những lúc hồi tưởng về thời thơ ấu vẫn thấy nhớ nhung ngôi nhà thân yêu ấy.
Có ai đó đã nói, còn văn hoá là còn người Việt, nước Việt, dân tộc Việt. Mất văn hoá là mất tất cả./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: