Là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực đầu tư xây dựng còn nhiều quy định phức tạp, chồng chéo, gây ra nhiều vướng mắc, khó khăn; bên cạnh đó, việc thực thi của các cán bộ nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu những vấn đề này được cải thiện thì sẽ giúp giải phóng tăng trưởng trong đầu tư xây dựng, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng còn nhiều quy định phức tạp, chồng chéo, gây ra nhiều vướng mắc, khó khăn. Ảnh: ST.
Chậm trễ do thẩm định
Sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý được xem là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Hiện nay, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng đã là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường. Bộ Công an phụ trách Luật Phòng cháy chữa cháy… Như vậy, điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng có tới cả chục luật, nhưng điều quan trọng là cùng một vấn đề những giữa luật nọ và luật kia có sự khác biệt trong quy định dẫn tới nhiều khó khăn cho các đơn vị thực thi.
TS. Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, hiện nay cả Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng đều cùng huớng dẫn nội dung về hợp đồng, nhưng trong đó lại có những nội dung hướng dẫn khác nhau, điều này gây nhiều vướng mắc khi thực hiện. Vì thế chỉ nên quy định ở một luật và nên quy định ở Luật Xây dựng, còn riêng công tác đấu thầu quốc tế thì thực hiện theo hướng dẫn của FIDIC (Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn). Đồng thời, Luật phải quy định bắt buộc chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định về hợp đồng, bởi tình trạng lựa chọn bỏ các quy định bất lợi cho chủ đầu tư như xử phạt, đền bù, tiến độ bàn giao mặt bằng, kéo dài thời gian… đang diễn ra khá phổ biến.
Trình tự xây dựng dự án có 3 giai đoạn: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa dự án vào hoạt động. Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), những vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư nổi cộm vẫn là công tác thẩm định dự án.
Theo Điều 58 Luật Xây dựng, có 5 nhóm nội dung thẩm định chủ yếu gồm: Thẩm định các yếu tố pháp lý, công nghệ kỹ thuật, về tài chính, về tổ chức thực hiện quản lý dự án và hiệu quả dự án. Với nội dung công việc khá lớn, lực lượng có hạn và sự hiểu biết chuyên sâu các lĩnh vực của công chức trong cơ quan chuyên môn về xây dựng hạn chế, trong khi dự án ngày một nhiều… dẫn tới nhiều chủ đầu tư phàn nàn về sự chậm trễ trong công tác thẩm định ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, cơ hội và việc giải ngân vốn đầu tư. Khó khăn trong phối hợp thẩm định giữa các cơ quan chức năng cũng dẫn tới sự chậm trễ về thời gian.
“Vướng mắc nhiều nhất nằm trong nội dung các thông tư. Công chức Nhà nước bám vào các thông tư để tuân thủ luật nhưng có nhiều nội dung áp đặt. Việc lập và ban hành các thông tư này phần nhiều do các cục, vụ quản lý lĩnh vực của các bộ soạn thảo và ít nhiều do thói quen quản lý nên thuờng hay “cài” các điều kiện bắt buộc các chủ thể liên quan đến “xin” để họ “cho”, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài
Mới đây, góp ý cho việc điều chỉnh các Luật về đầu tư xây dựng, cộng đồng DN thuộc Hiệp hội nhà thầu Việt Nam đã đề nghị cần phải cải cách thủ tục khâu thẩm định dự án, thẩm định phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, và thậm chí cả an ninh quốc phòng. Theo Hiệp hội này, việc có nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thẩm định các nội dung này làm khó khăn cho chủ đầu tư do phải đi xin ở nhiều cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định. Do đó, cần tập trung đầu mối thẩm định vào một cơ quan thẩm định dự án và cơ quan này chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác để tổng hợp kết quả thẩm định cuối cùng.
Liên quan đến vấn đề bảo lãnh hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng, thiếu quy định về bảo lãnh hợp đồng đối với chủ đầu tư là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan trong thời gian qua. Theo TS. Dương Văn Cận, trong quan hệ hợp đồng, phía nhà thầu phải thực hiện bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán nhưng chủ đầu tư lại không phải chịu trách nhiệm gì. Điều này là không bình đẳng và đây là nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài nhiều năm qua.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, TS. Dương Văn Cận cho rằng, cần có chế tài đối với các chủ đầu tư theo nguyên tắc: Chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh để đảm bảo vốn cho nhà thầu thực hiện gói thầu. Theo đó, khi thanh toán còn 30% giá trị hợp đồng thì chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh giá trị thanh toán cho nhà thầu. Nhà thầu được quyền dừng thi công nếu chủ đầu tư không cam kết có vốn thanh toán khi nhà thầu đã hoàn thành khối lượng và thực hiện đủ thủ tục thanh toán theo quy định, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo TS. Dương Văn Cận, Nghị định 37/2015/NĐ-CP cũng đã có đề cập vấn đề này nhưng chưa có cơ sở và chưa cụ thể, đề nghị chế tài này cần được đưa vào Luật Xây dựng.
Một vướng mắc khác được nhiều DN, chuyên gia phản ánh đó là hiện nay quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tại một số Luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… căn cứ vào loại nguồn vốn sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các định nghĩa về nguồn vốn hiện nay chưa đầy đủ, thống nhất (như khái niệm vốn nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn nước ngoài, vốn khác…) dẫn đến khó khăn trong việc hiểu và áp dụng đúng theo quy định. Do vậy, để thuận tiện trong áp dụng, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị cần xem xét quy định thống nhất về định nghĩa các loại nguồn vốn tại các nghị định hướng dẫn thi hành.
Cho rằng luật pháp về xây dựng phải thiết lập được cơ chế làm cho mỗi cá nhân, đơn vị tham gia đầu tư xây dựng nhận thức được trách nhiệm xã hội và sự tồn tại của họ gắn với chất lượng công trình từ khi lập dự án đến khi đi vào sử dụng, PGS.TS Trần Chủng đề nghị luật pháp về đầu tư xây dựng không chỉ hướng dẫn mà cần tăng cường kiểm tra sự tuân thủ pháp luật trong thực tế. Việc kiểm tra và xử lý không chỉ là các cá nhân tổ chức mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức khi không tuân thủ các luật, gây hậu quả về xã hội, kinh tế, sinh mạng.
Liên quan đến sự rối rắm thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, thời gian thẩm định quy định là 15 ngày nhưng có thể kéo dài lên 5-6 tháng là bình thường và đây chính là lý do các nhà đầu tư nước ngoài thà mua lại dự án qua M&A với chi phí cao hơn một chút để không phải đi vào “mê hồn trận” thủ tục hành chính khi xin cấp phép dự án. |