Khu Xáng Thổi, thuộc ấp Phú Hưng, xã An Sơn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương rộng hơn 24.000m2 là nơi hàng chục hộ sân sinh sống ổn định từ năm 1976. Sau này khu đất được xác định là đất do Nhà nước quản lý (hay còn gọi là đất công), chính quyền địa phương đưa ra một số phương án thực hiện dự án. Tuy nhiên, hơn chục năm trôi qua, dự án đến nay vẫn chưa thấy đâu, trong khi cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch.
Cuộc sống chông chênh
Ông Trần Thọ Em - một hộ dân ở khu Xáng Thổi từ những năm 1976 cho biết, khi về đây sinh sống chẳng ai nghĩ đến việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mãi đến năm 2010, chính quyền địa phương tiến hành đo đạc và xác định đây là khu đất công; sẽ tiến hành thu hồi để thực hiện các dự án. Hơn 10 năm nay, công trình, dự án vẫn chưa triển khai, người dân thì thấp thỏm, lo âu như ở trong khu đất có dự án treo. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đồng nghĩa với việc không được cấp giấy phép xây dựng nhà cửa, song vì nhu cầu về chỗ ở, người dân đã “làm liều” xây dựng. Hiện khu Xáng Thổi nhà cửa san sát và đều có số nhà.
Xã An Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
“Trước đây, có cán bộ xuống đo đạc kêu khu đất này quy hoạch dự án nhưng đến nay cũng đã 10 năm. Tôi đề nghị cơ quan chính quyền tỉnh Bình Dương giải quyết cho dân chúng ở đây”, ông Trần Thọ Em chia sẻ.
Sống trên khu đất chưa có quyết định rõ ràng về số phận khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Bà Võ Tú Nữ, hộ dân ngụ ở khu Xáng Thổi cho biết, gia đình bà giờ hộ khẩu mỗi người một nơi, khi bà Nữ vẫn nằm trong sổ hộ khẩu gia đình mình, chồng và con trai đứng tên trong hộ khẩu phía gia đình chồng. Việc này gây không ít khó khăn trong quá trình đi làm các thủ tục.
“Mỗi một lần tôi muốn làm gì phải đi mượn em trai. Con và chồng đi làm gì phải đi mượn hộ khẩu bên chồng. Nhiều khi họ đi làm không có ở nhà nên phải chờ đợi. Giờ chỉ xin tách hộ khẩu cho riêng gia đình mình”, bà Nữ cho hay.
Gia đình ông Thọ Em sinh sống ở đây gần 45 năm nhưng không có giấy tờ nhà
Dân cần nhưng chính quyền chưa vội?
Trước thực trạng trên, nhiều người dân đã liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương về việc quyết định số phận của khu đất để họ an tâm ổn định cuộc sống. Nhưng ý kiến của những người dân ở đây vẫn chưa có lời đáp. Trong khi đó, chính quyền xã An Sơn cũng gặp khó khăn trăm bề trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự đô thị…
Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về thắc mắc của người dân sống trong khu Xáng Thổi, lãnh đạo thành phố Thuận An thừa nhận việc chậm trễ giải quyết vướng mắc của người dân là do vướng các định hướng quy hoạch. Theo chính quyền thành phố Thuận An, khu Xáng Thổi này được thành phố tính phương án cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân đã ở ổn định trước năm 1993 theo Luật đất đai 2013. Tuy nhiên sau đó, thành phố Thuận An lại định hướng quy hoạch thành khu tái định cư. Khi định hướng quy hoạch chưa thành hình hài thì tỉnh Bình Dương lại dự định biến khu đất này thành xưởng sửa chữa tàu thuyền liên quan đến kho cảng An Sơn. Tuy nhiên khi xem xét quy hoạch thì thấy rằng diện tích, quy mô không đảm bảo, lại sợ ảnh hưởng đến môi trường nên dự án xưởng sửa tàu cũng khép lại. Và mới đây, UBND xã An Sơn đề nghị giải tỏa khu đất này để xây dựng trường cấp 3.
Hàng chục hộ dân thấp thỏm sống trong khu đất "trắng" quy hoạch
Ông Lê Thanh Phong, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thuận An cho biết, nếu xây dựng trường học phải giải tỏa, di dời, sắp xếp chỗ ở hợp lí cho người dân. UBND thành phố cũng đã đề nghị xã An Sơn tổng hợp rà soát để họp thống nhất phương án.
"Trước đây định hướng việc này sau đó không hợp lí phải sắp xếp lại. Trước tình hình đó, phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố giải quyết dứt điểm nhanh để người dân ở đó không bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Người ta ở ổn định rồi thì phải sắp xếp để có phương án cụ thể", ông Phong thông tin.
Vậy là, hơn 10 năm nay, khi thành phố Thuận An đang loay hoay với các định hướng quy hoạch cho khu đất rộng hơn 24.000m2 ở ấp Phú Hưng, xã An Sơn thì hàng chục hộ dân ở đây đang phải chịu cảnh sống “chui” trên mảnh đất họ gắn bó hơn 45 năm nay. Người dân mong muốn chính quyền địa phương xem xét, giải quyết để họ ổn định cuộc sống, được thực hiện đầy đủ các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: