Theo đó, văn bản số 1585 của UBND huyện Bảo Yên do Chủ tịch Tô Ngọc Liễn kí nêu rõ: Nội dung phản ánh trên VOV là chính xác, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể.
Đối với 58 bìa đỏ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh làm rõ, hàng chục cán bộ liên quan, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã bị truy cứu trách nhiệm.
Về giải quyết đối với người dân, sau khi có hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bảo Yên đã tổ chức đối thoại với bà con. Đồng thời, phân số hồ sơ ra thành 4 nhóm, gồm: Nhóm có giấy chứng nhận gốc về quyền sở hữu đất ở, nhưng khi cấp đổi, lại tăng diện tích và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; không có hồ sơ cấp mới do thửa đất gốc chưa được cấp giấy chứng nhận; hồ sơ được miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng do làm sai lệch thời điểm; có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở, nhưng không có hồ sơ chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp.
Bìa đỏ vô giá trị đang "trôi nổi" ở khắp các xã, thị trấn của huyện Bảo Yên (Lào Cai).
Hiện, chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan đang tiếp tục thống nhất phương án giải quyết cụ thể theo từng nhóm trường hợp.
Đối với số bìa đỏ vô giá trị, nhưng chưa có kết quả thanh kiểm tra, điều tra (tức nằm ngoài 58 bìa đỏ nói trên) như VOV phản ánh, văn bản của UBND huyện Bảo Yên cho biết, muốn cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp này cần phải có kết luận của cơ quan Nhà nước, hoặc kết quả điều tra thì mới xác định được lỗi để áp dụng tính giá đất. Nếu lỗi do cơ quan Nhà nước thì giá đất được xác định tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận trước đây; còn nếu lỗi thuộc về người dân thì giá đất tính tại thời điểm cấp lại.
Để làm rõ hơn về hướng khắc phục, phóng viên VOV đã liên hệ với ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.
Ông Khải cho biết: "Trước mắt, việc khắc phục cần tập trung vào 58 bìa đỏ sai phạm đã được cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, sau đó đến các trường hợp khác. Về trách nhiệm cán bộ, đối với cán bộ trước đây đã xử lý rồi, tới đây phát hiện thêm sai phạm sẽ tiếp tục xử lý. Việc xác định sai phạm cũng làm căn cứ để quy lỗi thuộc về ai, do Nhà nước hay do người dân để có phương án giải quyết cụ thể”.
Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho rằng, muốn xác định rõ số bìa đỏ không có giá trị pháp lý ở huyện, cần phải tổng rà soát, điều tra cụ thể.
Theo ông Khải, do số bìa đỏ không có giá trị pháp lý rất nhiều, nhưng chưa rõ chính xác là bao nhiêu, nên cần thiết phải có một cuộc tổng điều tra, rà soát mới biết cụ thể.
“Theo tôi, tổng điều tra là cần thiết, vừa đem lại quyền lợi cho người dân, mà Nhà nước cũng thu được tiền thuế trên đất đó. Vì những bìa đỏ cấp sai trên đất người dân lâu nay vẫn đang sử dụng, đáng lẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính rồi, nhưng chưa thực hiện” - ông Khải cho biết.
Ông Khải cho biết thêm: “Không điều tra tập trung mà chờ trường hợp nào phát sinh mới giải quyết sẽ thành ‘xôi đỗ’, càng phức tạp, người dân sẽ không yên tâm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài...”.
Cũng theo ông Khải, huyện Bảo Yên cần xác định địa phương nào có khả năng sai sót lớn thì tập trung điều tra. Tuy nhiên, nên điều tra, rà soát khu vực thị trấn trước, vì đất ở đây có giá trị hơn, sau đó mới đến các xã trên địa bàn.
Trong giai đoạn này, tỉnh Lào Cai cũng đang triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại một số huyện. Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến tham mưu cho tỉnh để đưa Bảo Yên vào danh sách này, kết hợp với việc điều tra, rà soát hồ sơ đất đai của huyện cho hiệu quả.
Mặt khác, ông Khải đề nghị về phía người dân, nếu thấy nghi ngờ cũng cần chủ động tới các cơ quan thuế, tài nguyên, quản lý đất đai để rà soát xem hồ sơ đất của mình có đầy đủ, hợp pháp không. Người dân nên phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất được thuận lợi.
Ông Khải chia sẻ, giai đoạn trước, do công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, tồn tại những kẽ hở để một bộ phận cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm như câu chuyện ở Bảo Yên. Trong số bìa đỏ sai phạm, có những trường hợp một phần lỗi cũng do người dân, muốn giải quyết nhanh đã tiếp tay cho cán bộ làm sai.
“Tôi thấy, bây giờ tất cả thủ tục đất đai đều thông qua bộ phận một cửa và quản lý trên hệ thống số hóa nên chặt chẽ hơn. Quyền lực của cán bộ trực tiếp làm sẽ bị hạn chế đi, nên tiêu cực cũng sẽ ít đi” - ông Khải cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: