Tuy nhiên, đến nay số hộ dân triển khai xây dựng cơ sở ở nơi chế tác tập trung mới chỉ được vài chục hộ.
Đến nay, tại nơi sản xuất tập trung chỉ có vài chục cơ sở đang thi công nhà xưởng - Ảnh: Trường Trung
Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Huỳnh Công Bôn (đường Huyền Trân Công Chúa, P.Hòa Hải) hoạt động cách đây hơn 20 năm với bảy nhân công làm việc thường xuyên. Cuối năm 2014, anh Bôn được Q.Ngũ Hành Sơn mời lên bốc thăm lô đất được thuê để thực hiện việc di dời.
Tuy nhiên, sau khi lên nơi sản xuất tập trung mới để xem đất thì đến nay anh Bôn vẫn chưa có kế hoạch di dời.
“Lô đất bố trí cho tôi với diện tích 5x12m, trong khi cơ sở của tôi chuyên chẻ đá và làm tượng nặng hơn 1 tấn, nên mỗi lần di chuyển phải nhờ xe tải vào cẩu. Với mặt tiền nhỏ hẹp chỉ 5m làm sao xe tải ra vào và di chuyển, không có xe cẩu thì đành chịu chết” - anh Bôn nói.
Theo các hộ dân ở đây, không riêng gì trường hợp của anh Bôn, các hộ dân khác hầu hết cũng được thuê đất với chiều ngang mặt tiền chỉ 5m. Với các hộ chuyên chế tác đá có trọng lượng nặng nếu cơ sở chế tác nhỏ hẹp, xe tải không thể ra vào di chuyển tượng được, phải di chuyển bằng cách thủ công vừa tốn nhân công vừa gây sứt mẻ tượng.
Hầu hết hộ dân ở đây đều cho rằng việc quy hoạch và phân lô đất như trên là bất hợp lý. Anh Trần Văn Thủy, một hộ dân ở đây, cho hay: “Khi nghe có dự án làng nghề triển khai ai cũng mừng vì có không gian mở rộng diện tích sản xuất và bớt gây ô nhiễm cho người dân xung quanh. Tuy nhiên diện tích đất tại nơi sản xuất mới còn nhỏ hơn ở nơi sản xuất cũ nên tôi không dời cơ sở đi được. Quy hoạch nơi sản xuất nhưng phân lô giống như nhà ở thì khó làm ăn quá”.
Theo bà Trần Thị Tầm - phó trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, có hai lý do chính khiến các hộ sản xuất dù rất muốn được di dời đến nơi sản xuất tập trung nhưng vẫn còn e ngại.
Đó là nơi sản xuất mới có mặt tiền nhỏ hẹp, gây khó khăn trong việc vận chuyển và một số hộ có cơ sở chế tác nhỏ không đủ vốn để xây nhà xưởng theo đúng quy chuẩn quy hoạch. Bà Tầm cho biết đến nay chỉ mới có 50 cơ sở triển khai xây dựng nhà xưởng ở khu chế tác tập trung.
Trong khi đó, nhu cầu thực tế của các hộ lên tới 450 lô đất và hiện nay do quỹ đất hạn chế nên mới xét duyệt được 309 lô cho các cơ sở.
“Chúng tôi biết diện tích của các lô đất chủ yếu là 5x20m, mặt tiền hẹp như vậy nên gây khó khăn cho các hộ chế tác đá. Tuy nhiên, việc quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước thực hiện từ năm 2008, trong khi ban quản lý làng nghề mới thành lập cuối năm 2011 nên không thể góp ý để mở rộng diện tích các lô đất lên được” - bà Tầm nói.
Theo bà Tầm, hiện nay ban quản lý làng nghề đang thực hiện các giải pháp như giảm bớt diện tích bãi đá nhiên liệu để bố trí đất cho các hộ. Ngoài ra, Q.Ngũ Hành Sơn cũng đang thành lập đoàn công tác tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp hỗ trợ các cơ sở sản xuất di dời.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: