Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Không để thất thoát vốn nhà nước
Tại dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sắp được thông qua, tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà theo quy định hiện hành là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Để thông thoáng về điều kiện cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và đảm bảo tính khả thi trong thực tế, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra và đã loại bỏ quy định điều kiện phải “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định”. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đã rà soát bổ sung vào dự thảo một số điều quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác cấp giấy phép xây dựng, theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép xây dựng; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và các cơ quan có liên quan.
Bộ cũng quy định rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây: Công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình; Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài, kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình; Công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ đã giảm tới mức tối thiểu các giấy phép xây dựng nhằm đảm bảo thuận lợi cho người dân, đồng thời vẫn quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài nguyên, vốn của Nhà nước và xã hội.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng VN, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng:
Cơ quan quản lý bất lực
Với rất nhiều giấy phép như hiện nay nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn ra khá phổ biến thì việc cắt giảm giấy phép mà vẫn quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài nguyên, vốn của Nhà nước và xã hội thực sự là một bài toán khó. Hiện nay, bên cạnh Luật xây dựng còn nhiều Luật khác có liên quan như Luật quy hoạch đô thị, Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản ... Do đó, cần rà soát, đánh giá phạm vi, nội dung sửa đổi Luật xây dựng với các luật để đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo. Đặc biệt cần xác định vai trò, chức năng, nội dung đối với các điều chỉnh Luật xây dựng theo hướng giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng cũng như nguyên tắc quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động xây dựng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ và các chủ thể liên quan đến việc xây dựng công trình một cách hiệu quả và bền vững.
Liên quan đến giấy phép xây dựng, có thể thấy, việc ra Thông tư cho phép nộp phạt để những công trình trái phép được tồn tại mới đây của Bộ xây dựng là biện pháp trong hoàn cảnh bất lực của cơ quan quản lý. Về hiệu ứng dư luận, rõ ràng những văn bản mang tính "thỏa hiệp" như trên sẽ tạo tiền lệ luật "vô nguyên tắc”.
Lâu nay, người ta vẫn nghe nói chuyện xin cho trong cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng có lẽ cũng đã nhìn thấy và thấu hiểu chuyện quy định thì cứ quy định còn vi phạm vẫn cứ vi phạm. Bộ không thể làm ngơ nên ít nhất cũng đưa ra hành động phạt tiền còn hơn là buông lỏng. Rõ ràng giữa một bên tồn tại mà không phạt, thì việc cho phép chịu phạt để tồn tại thì cũng... vẫn hơn…
Thực tế, với quy định trên rõ ràng DN hoàn toàn có thể chấp nhận nộp phạt thay vì phải làm thủ tục chuyển đổi. Bởi so với những nhiêu khê, phiền hà mất công xin giấy phép chuyển đổi, làm lại hồ sơ, thời gian chờ đợi thì chi phí nộp phạt để được làm sai nhiều khi còn thấp hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: