Cấp sổ đỏ luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội , việc cấp sổ đỏ còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân nằm ở cả cơ chế chính sách và một phần ở chính người dân.
Thủ tục rườm rà
Quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 đã ghi rõ, Sổ đỏ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân mong muốn được cấp sổ đỏ nhưng lại chưa được cấp và ngược lại, có những nơi người dân không muốn làm sổ đỏ vì thấy không cần thiết mà còn phải đóng thêm một khoản thuế. Hoặc, nhiều nơi, sổ đỏ có rồi nhưng vẫn nằm trong tủ những người thực thi...
Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký và Thống kê đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, đây là thực trạng xảy ra trên địa bàn thủ đô. Hiện nay, cả Hà Nội mới cấp được 92% sổ đỏ so với yêu cầu, lượng giấy chứng nhận tồn đọng ở Hà Nội đã ký rồi nhưng chưa cấp, lượng hồ sơ tồn đọng ở cơ quan nhà nước, số trường hợp chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ còn đều rất nhiều. Chưa bàn đến lỗi thuộc về các thủ tục hành chính thì một phần, do chính ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Nhiều người không hoặc chưa muốn làm thủ tục, có giấy rồi nhưng chưa muốn nhận vì lý do tài chính...
Về phía cơ chế thủ tục hành chính, không ít người dân cho biết, việc cấp sổ đỏ không chỉ phụ thuộc thời gian nộp hồ sơ hợp lệ mà còn lệ thuộc nhiều vào phía các cơ quan chức năng với hàng loạt thủ tục hành chính còn khá rườm rà. Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang, để nhận được sổ đỏ là quá trình không hề đơn giản. Căn cứ điều 136, Nghị định 18 ban hành năm 2004 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần rất nhiều loại giấy tờ, và vì vậy để nộp đầy đủ giấy tờ cũng là cả một vấn đề, thêm nữa đến khi người dân nhận được giấy hẹn cũng thường xuyên bị lỗi hẹn.
Còn theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, so với mặt bằng chung, thủ tục tại TP Hà Nội quả thực phức tạp hơn. Thậm chí, ở giữa các quận, huyện ở Hà Nội cũng chưa thống nhất các thủ tục thực hiện. Đây là vấn đề cần được kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Tiếp tục sửa đổi các chế tài
Vậy phải làm gì để gỡ bỏ những vướng mắc về chế tài trong công tác cấp sổ đỏ hiện nay? Ông Lê Thanh Nam cho rằng, trong 2 năm qua, Sở TN và MT Hà Nội đã cùng Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, hoàn thiện rất nhiều điểm về luật như cắt giảm, ghi nợ, thậm chí miễn thu rất lớn. Trong thời gian tới, Sở TN và MT sẽ tiếp tục rà soát để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, như với trường hợp người dân sử dụng đất chưa có sổ đỏ nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì vẫn được đảm bảo công bằng như những trường hợp có giấy tờ. Còn những trường hợp lấn chiếm, vi phạm, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Trần Hùng Phi cho biết, theo quy định của pháp luật, ở các đô thị, người dân muốn được cấp sổ đỏ phải nộp hồ sơ ở văn phòng đăng ký đất đai. Phòng đăng ký sẽ trực tiếp tham vấn, tìm hiểu, lấy ý kiến cán bộ phường. Song, ở Hà Nội, thủ tục này vẫn nộp trực tiếp ở phường. Đây là điều mà trong thời gian tới TP Hà Nội cần tiếp tục sửa chữa. Ngoài ra, trong thời gian tới, ngoài những thủ tục bắt buộc phải nộp, Bộ TN&MT đang xem xét, cân nhắc cắt giảm một số thủ tục. Song, công tác cắt giảm như thế nào thì cần một lộ trình bàn bạc kỹ lưỡng. Nếu chúng ta tinh giảm quá nhiều có thể sẽ xuất hiện những tình huống mới, sơ hở mới về mặt pháp luật. Đây cũng là quan điểm mà luật sư Quang đưa ra, "việc đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cần đi kèm với việc đảm bảo những quy tắc pháp lý chung để tránh tình trạng có những trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm bừa, làm ẩu.”