Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam bị "đóng băng" trong nửa năm qua. Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã công bố báo cáo tài chính quý 2 cho thấy không chỉ sụt giảm mạnh về lợi nhuận, mà còn đang phải chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay và thậm chí thua lỗ.
Tuy nhiên, ngay trong thời gian khó khăn nhất, thị trường bất động sản vẫn xuất nhiều chiêu trò để "bẫy" nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Trong đó, có những lời kêu gọi đầu tư với lãi suất cao vọt, cam kết lợi nhuận khủng… nhằm thu hút sự chú ý, đầu tư.
Cá biệt, một hình thức kêu gọi đầu tư khá mới trên thị trường là mô hình hợp tác kinh doanh hay đầu tư chung bất động sản. Một doanh nghiệp bất động sản mới đây đã tung ra chương trình tri ân đặc biệt. Khách hàng có thể chọn tham gia gói 1 tỉ đồng, 1,5 tỉ, 2 tỉ hoặc 3 tỉ đồng. Với mỗi gói, khách hàng sẽ được nhận lãi 35% trong 24 tháng, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương cộng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn với giá trị tăng dần theo mức vốn bỏ ra...
Nhiều chiêu trò quảng cáo bán bất động sản đang sôi nổi trên thị trường. (ảnh minh hoạ)
Hay, một mô hình khác là đầu tư chung sau khi phân chia dự án thành nhiều phần. Theo đó, một dự án bất động sản sẽ được chia nhỏ làm nhiều phần để nhiều nhà đầu tư tham gia từ 1 triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, tùy vào năng lực tài chính của mình. Chẳng hạn 1 căn hộ chung cư tại Hà Nội có giá niêm yết hơn 1,87 tỉ đồng thì sẽ được chia thành 1.800 đơn vị (mỗi đơn vị tương ứng 1 triệu đồng), nhà đầu tư có thể chọn mua từ 1 hoặc nhiều đơn vị trở lên.
Tương tự, một đơn vị khác là Công ty CP RealStake cũng giới thiệu mô hình đầu tư chung bất động sản với số tiền từ 20 triệu đồng. Mỗi bất động sản sẽ được chia thành từ 80-150 phần như nhau. Số lượng và giá trị của phần sở hữu tùy thuộc vào mỗi bất động sản. Ví dụ, nhà phố Lovera Premier được chia thành 120 phần, mỗi phần 50 triệu đồng. Còn Shophouse view hồ trung tâm Grand World Phú Quốc được chia thành 170 phần, mỗi phần 50 triệu.
Tùy theo dự án, RealStake cam kết lợi nhuận tối thiểu hằng năm từ 6-9%. Những bất động sản đã hoàn thiện sẽ được cho thuê và lợi nhuận sẽ chia đều cho khách đầu tư. Có 4 hình thức chốt lời là thông qua sàn giao dịch mua bán, bán trực tiếp cho bạn bè, người quen, bán nguyên căn hoặc bán lại cho RealStake với lợi nhuận được cam kết và được ngân hàng bảo lãnh…
Đáng chú ý nhất, trên thị trường mới đây còn xuất hiện mô hình chào hàng hợp tác cho thuê phòng trọ. Theo lời giới thiệu của môi giới, nhà đầu tư chỉ cần góp vốn khoảng 40 triệu đồng để nhận lợi nhuận hàng tháng 1,2 triệu đồng trong 30 tháng và sau khi kết thúc hợp đồng sẽ hoàn vốn.
Ngoài ra, có một mô hình khác là nhà đầu tư sẽ bỏ ra 600 triệu sở hữu 15 phòng trọ. Hàng tháng, nhà đầu tư sẽ được trả mức lợi nhuận 18 triệu đồng, kéo dài trong 30 tháng. Vốn sẽ được hoàn khi kết thúc hợp đồng.
Lợi nhuận mà chủ đầu tư cam kết cho các nhà đầu tư phòng trọ là 36%, hoặc là 25% khi nhà đầu tư thoái vốn sau 12 tháng. Như vậy, chỉ cần bỏ ra 40-600 triệu, sau 2,5 năm có thể thu về khoản lời 36-540 triệu. Đây là mức lợi nhuận hấp dẫn với nhiều người tại thời điểm này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn. Với mức lợi nhuận "khủng" như trên càng phải cân nhắc kỹ càng.
Như ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation đã không ít lần cảnh báo rằng, mức cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 15% là không tưởng , không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy. Tuy nhiên, vì quá mải mê chạy theo "bánh vẽ" của một số chủ đầu tư, những lời cảnh báo này đều bị khách hàng nhiều bỏ ngoài tai.
Thực tế, một khách hàng lớn bị chủ đầu tư xù cam kết đã cay đắng thừa nhận rằng mình đã quá tham lam và mù quáng khi nhìn vào mức cam kết lợi nhuận. Ở thời điểm 5 năm trước, lãi suất tiền gửi ngân hàng cao nhất là 8%/năm, còn mức lợi nhuận mà chủ đầu tư dự án bất động sản cam kết là 12%.
Vì thế, dù phải vay ngân hàng tới 70% số vốn đầu tư nhưng nhà đầu tư cần tính toán rằng vẫn có một khoản tiền lợi nhuận hàng tháng sau khi đã trả lãi ngân hàng. Phải đến khi chủ đầu tư dừng trả cam kết, nhà đầu tư mới bàng hoàng nhận ra cái bẫy mà mình đã vướng phải.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: