Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản trình UBND TP.HCM báo cáo thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc sớm khép kín các tuyến vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Các tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng với tất cả địa phương, sau khi hoàn thành, các tuyến đường này sẽ trở thành trục kết nối liên vùng. Do đó, nếu chúng ta tiếp tục chậm trễ thì sẽ gây tổn thất về kinh tế, giao thông ùn ứ, kìm hãm sự phát triển của các địa phương.
Chính vì vậy, để tránh dự án chậm tiến độ, đội vốn, Nhà nước cần huy động nhiều nguồn vốn xã hội hóa thay vì trông chờ vào ngân sách TP, nguồn vốn từ trung ương.
Ông NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị
Ngành giao thông cần tính toán để sắp xếp thứ tự ưu tiên và cần có kế hoạch với các dự án ưu tiên để mang lại hiệu quả khi nguồn vốn có hạn như hiện nay.
Đồng thời cần tiết chế các dự án nhỏ, tập trung vào các dự án lớn, cấp thiết để mang lại hiệu quả ngay. Bài toán này không chỉ dựa vào cảm giác nữa, cần tính toán, cái nào mang sự đột phá thì cần làm ngay, tránh tình trạng dở dang hàng loạt dự án.
Ông VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đội vốn gần 5.200 tỉ
Theo Sở GTVT, để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đơn vị đã chủ động nghiên cứu trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời phối hợp với UBND huyện Củ Chi và Sở GTVT tỉnh Tây Ninh rà soát chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư. Sau khi rà soát tổng chi phí GPMB, hỗ trợ tái định cư trên hai địa phương, Sở GTVT TP.HCM đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư là 15.900 tỉ đồng.
Như vậy, so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã đội vốn hơn 2.286 tỉ đồng so với tổng vốn dự tính mới đây (13.614 tỉ đồng) và đội vốn gần 5.200 tỉ đồng so với mức dự tính năm 2019 (10.700 tỉ đồng).
Dựa vào bảng tính toán các chi phí xây dựng cho thấy tổng mức đầu tư tăng là do chi phí bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư tăng với 7.433 tỉ đồng. Trong đó, TP.HCM chiếm 5.900 tỉ đồng và Tây Ninh là 1.523 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, tại cuộc họp ngày 18-5 vừa qua, các đơn vị liên quan đã thống nhất trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới đây, dự kiến là tháng 7-2021. Do đó, để đảm bảo tiến độ, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP báo cáo HĐND xem xét, đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án (bao gồm nội dung về tên dự án, quy mô, địa điểm, loại hợp đồng dự án PPP, tổng mức đầu tư, phân chia trách nhiệm chi trả chi phí bồi thường GPMB…).
Sơ đồ vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồ họa: HỒ TRANG
UBND TP cũng đã đề xuất Bộ GTVT thống nhất giao UBND TP làm cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GTVT tham mưu UBND TP đưa dự án vào danh mục các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết tổng mức đầu tư của dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tăng là do chi phí bồi thường GPMB tăng theo các năm. Do đó cần sớm đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, giảm tải cho quốc lộ 22 và tạo điều kiện phát triển kinh tế liên vùng. Ông Tài cho biết dự kiến dự án khởi công cuối năm 2023 và hoàn thành cuối năm 2025.
Cần nguồn vốn lớn để sớm khép kín các vành đai
Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc đầu tư khép kín các đường vành đai 2, 3 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Cụ thể, dự án vành đai 2 chiếm khoảng 23.500 tỉ đồng, riêng chi phí bồi thường GPMB đã chiếm hơn 18.000 tỉ đồng. Dự án vành đai 3 có chi phí bồi thường GPMB chiếm hơn 26.000 tỉ đồng. Còn chi phí GPMB cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (phía TP.HCM) chiếm 5.900 tỉ đồng…
Theo đó, dự kiến nguồn vốn để thực hiện các dự án trên được cân đối từ việc tăng tỉ lệ nguồn vốn ngân sách TP. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn từ nguồn khai thác quỹ đất dọc hai bên đường vành đai, cao tốc theo “Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP” do Sở TN&MT chủ trì tham mưu UBND TP.
Theo Sở GTVT, trên cơ sở tổng vốn ngân sách TP cần cân đối để thực hiện khép kín đường vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM -Mộc Bài trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 56.000 tỉ đồng. Sở GTVT kiến nghị UBND TP sớm giao Sở KH&ĐT khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND TP, báo cáo HĐND TP thống nhất đưa vào danh mục được đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.
Để nhanh chóng hoàn thành các dự án đường vành đai, Sở GTVT kiến nghị UBND TP thành lập Ban chỉ đạo khép kín các đường vành đai TP.HCM. Ban chỉ đạo sẽ do lãnh đạo UBND TP làm trưởng ban, các thành viên gồm lãnh đạo sở, chủ tịch UBND các địa phương.
Sở GTVT cho rằng do tính cấp bách của các dự án và các nội dung kiến nghị nêu trên rất quan trọng, cần xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND TP. Vì vậy, Sở GTVT báo cáo và kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ các nội dung mà sở đã kiến nghị.•
Tháng 7-2021, trình chủ trương khép kín vành đai 2Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc sớm đầu tư khép kín đường vành đai 2 là thực sự cấp bách, tạo sự đồng thuận triển khai thu phí hạ tầng cảng biển vào ngày 1-7-2021. Trường hợp chậm thực hiện đầu tư, khả năng tổng vốn đầu tư dự án đường vành đai 2 - đoạn 1 sẽ tăng do chi phí GPMB. Theo đó, tại cuộc họp mới đây, các bên liên quan đã thống nhất trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 7-2021. Đối với đoạn 3 của vành đai 2, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT tham mưu thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư dự án và chủ trì, hướng dẫn nhà đầu tư lập, thẩm định, trình duyệt… Đồng thời giao UBND TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác GPMB. Đối với đoạn 4 của vành đai 2, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao sở thực hiện công tác chuẩn bị dự án theo quy định pháp luật hiện hành để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: