Đây là một trong những ý kiến đề xuất của Sở GTVT TP.HCM trong Hội nghị góp ý về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay vùng TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đơn vị này đề xuất trong quy hoạch mạng lưới sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì cần có một sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ. Sở GTVT kiến nghị đơn vị tư vấn thực hiện đồ án rà soát, xem xét tỉ lệ phân chia các phương thức vận tải để xác định thứ tự ưu tiên, từ đó xây dựng quy hoạch phù hợp.
Sự xuất hiện của sân bay sẽ có tác động lớn thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của huyện đảo này.
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, huyện đảo Cần Giờ xưa nay được xem như là “vùng sâu, vùng xa” bởi cách trở sông nước. Vùng đất này nổi tiếng bởi đây là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn… Nhiều người lựa chọn Cần Giờ như một điểm đến vui chơi trong các dịp cuối tuần, ngày lễ.
Ngoài giáp ranh với huyện Nhà Bè về phía tây bắc thì Cần Giờ còn giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía đông và đông bắc. Giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía tây. Còn phía nam của Cần Giờ thì giáp với Biển Đông.
Là huyện đảo duy nhất của TP.HCM, Cần Giờ còn nhiều tiềm năng để phát triển đặc biệt là ngành du lịch nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, khó khăn trong việc kết nối hạ tầng vẫn đang là điểm nghẽn của Cần Giờ. Hiện nay, mọi phương tiện từ TP.HCM qua Cần Giờ đều phải di chuyển bằng phà.
Một góc khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng. Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm. TP. HCM đang triển khai nhiều đầu việc để thực hiện dự án này.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Trong đó có dự án xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh.
Theo đó, cây cầu này sẽ được xây dựng tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, vượt sông Soài Rạp. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3km. Đây là loại đường trục đô thị, với vận tốc cho phép là 60km/h. Mặt cắt ngang đường 40m đảm bảo 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Theo kế hoạch cầu được thực hiện từ năm 2017 - 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Đầu năm 2021, tuyến phà vượt biển nối Cần Giờ với Tp Vũng Tàu cũng đã chính thức đi vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai điểm du lịch này.
Với thế mạnh tự nhiên về du lịch biển cùng những dự án hạ tầng, đô thị được đề xuất xây dựng, trong những năm qua Cần Giờ là tâm điểm của thị trường bất động sản khu vực TP.HCM. Đã có không ít đợt sốt đất diễn ra tại khu vực này, đặc biệt là sau khi có những thông tin mới về việc xây dựng các dự án hạ tầng.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc đầu tư đón đầu ở Cần Giờ đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, đây là thị trường dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và sở hữu tiềm lực tài chính mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: